Văn hóa lịch sử không thể tô vẽ, bịa đặt một
cách tùy tiện nhằm thu hút sự hiếu kỳ của du khách mà cần dựa trên những
thông tin khoa học có hệ thống về văn hóa, lịch sử và tâm thức dân
gian...
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai có văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu xác minh, làm rõ những thông tin sai lệch do Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây đăng tải. Trong đó có những chi tiết như: Đền quan Hoàng Bảy ngự tại “Đỉnh Thiêng trên dãy núi Hoàng Liên”, tương truyền tại đây ông đã từng “đóng quân, điều binh khiển tướng, dẫn quân dẹp loạn”.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai,
đó là những thông tin “không đúng sự thật, có dấu hiệu xuyên tạc lịch
sử, tên địa danh, nhân vật quan Hoàng Bảy cũng như gốc tích ngôi đền Bảo
Hà, gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý và
phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đền Bảo Hà tại tỉnh Lào Cai”.
Phản hồi thông tin trên, ngày 28/7, UBND tỉnh Lai Châu chính
thức có thông cáo báo chí cho biết chủ đầu tư đã tháo dỡ tấm bia đá ghi
sự tích quan Hoàng Bảy và các thông tin không có cơ sở theo yêu cầu của
cơ quan chức năng.
Câu chuyện nêu trên khiến chúng ta nhớ đến những việc tương tự, như
đền thờ Phúc Giang (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đền Tài Lộc
cạnh chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn),
chùa Linh Sơn Thượng (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và hơn 40 "chùa giả",
"động rởm" tại quần thể di tích chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội)
từng được dựng lên trái phép rồi bị buộc phải tháo dỡ và bị cơ quan chức
năng xử phạt tiền.
Cần khẳng định rằng, văn hóa lịch sử không thể tô vẽ, bịa đặt một
cách tùy tiện nhằm thu hút sự hiếu kỳ của du khách mà cần dựa trên những
thông tin khoa học có hệ thống về văn hóa, lịch sử và tâm thức dân
gian. Nếu để tồn tại các công trình xây dựng "tâm linh giả" sẽ ảnh hưởng
không tốt tới việc quảng bá, giới thiệu về di tích, tín ngưỡng, những
nét đẹp của lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam đến với nhân dân và du
khách quốc tế. Mặt khác, nếu không được giám sát, quản lý chặt chẽ,
nhiều công trình thờ tự mang kiến trúc lai căng còn phá vỡ quy hoạch,
cảnh quan. Chưa kể, có những công trình lợi dụng kẽ hở của chính sách để
lập lờ trốn tránh các nghĩa vụ tài chính khi đưa ra “tấm bình phong”
tôn giáo, tín ngưỡng nhằm che đậy cho mục đích thu lợi thiếu minh bạch.
Một khi điểm du lịch tâm linh hướng đến mục tiêu lợi nhuận thì những
hành vi biến tướng dễ dàng phát sinh, tạo điều kiện cho một số tổ chức,
cá nhân biến một số cơ sở thờ tự thành địa chỉ “buôn thần bán thánh”,
lợi dụng lòng tin của người dân để lừa bịp nhằm trục lợi, thực chất đó
là hành vi thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm tín ngưỡng của
cộng đồng.
Việc xây dựng cơ sở thờ tự trên cơ sở khoa học, có nguồn gốc lịch sử
văn hóa rõ ràng sẽ góp phần phục vụ nhu cầu tự do tín ngưỡng chính đáng,
hợp pháp của nhân dân, qua đó góp phần gắn kết nhân tâm, phát huy những
giá trị văn hóa tốt đẹp của các cơ sở thờ tự, tâm linh. Vì vậy, chúng
ta phải kiên quyết phê phán, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do tín
ngưỡng để tạo dựng những "chùa giả", "động rởm" nhằm mục đích trục lợi,
làm xáo trộn đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân địa phương và làm
tổn hại đến tính uy nghiêm, linh thiêng của văn hóa tâm linh dân tộc./.
HIỀN VINH (qdnd.vn)