Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 2/3/2010 22:30'(GMT+7)

"Biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"

Nội dung cuốn sách góp phần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội từ góc tiếp cận triết học. Xuất phát từ quan niệm: “Những suy tư về chủ nghĩa xã hội không thể chỉ dừng lại ở những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thuần túy, mà phải đi tới những vấn đề triết học, phải được triển khai trên lập trường, quan điểm và phương pháp triết học”, tác giả cho rằng, “vận dụng cách tiếp cận triết học để làm rõ tính chất triết học của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là việc làm cần thiết và sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn tư tưởng của Người về vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng này”.

Trên tinh thần ấy, tác giả không dừng lại ở việc tập hợp, hệ thống hóa, cấu trúc hóa những luận điểm, quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà đã tập trung làm rõ quá trình hình thành một cách biện chứng và những quan điểm mang tính biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ đó, tác giả đã có những kiến giải khá mới về cách mà Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển các tư tưởng - văn hóa truyền thống của dân tộc và nhân loại trên cơ sở thực tiễn Việt Nam để hình thành nên những quan điểm về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về hai vòng khâu biện chứng trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là giải phóng dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về một số quan điểm biện chứng cơ bản của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tác giả khẳng định: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội là những vòng khâu phát triển biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phản ánh những giai đoạn tất yếu trên con đường cách mạng đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam; các vòng khâu phát triển biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là chưa hoàn tất và nó chỉ có thể hoàn tất trên cơ sở tổng kết thực tiễn lâu dài xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”, và vì thế, muốn giành thắng lợi, không thể không suy tư đến tận gốc rễ, ngọn nguồn của mọi vấn đề. Việc xử lý những vấn đề như: ở Việt Nam, giải phóng dân tộc và phát triển xã hội có mối quan hệ như thế nào, con đường phát triển xã hội vận động thông qua những giai đoạn nào, đâu là căn cứ để xác định những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, quần chúng nhân dân có vai trò gì trong sự nghiệp cách mạng vì giải phóng và phát triển… đều đòi hỏi Hồ Chí Minh phải tư duy ở tầm triết học, trên cơ sở nền tảng triết học và theo phương pháp triết học. Điều này cho thấy, việc vận dụng cách tiếp cận triết học để làm rõ tính chất triết học của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là việc làm cần thiết và sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn tư tưởng của Người về vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng này.

Việt Nam luôn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, mô hình chủ nghĩa xã hội được triển khai trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã bộc lộ nhiều hạn chế. Những quốc gia kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa buộc phải tiến hành cải cách, đổi mới cả về nhận thức lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, sự chuyển đổi trong cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân… là những vấn đề vốn rất mới so với nhận thức đổi mới về chủ nghĩa xã hội – đã khiến không ít người băn khoăn, lo ngại về khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, trong thực tiễn đổi mới, cùng với những thuận lợi và những thành tựu, còn có những khó khăn, thách thức và cả những sai lầm khó tránh khỏi nếu chúng ta không kịp thời nhận thức và giải quyết thì khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa sẽ trở thành hiện thực. Trong bối cảnh ấy, nghiên cứu và làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là từ góc tiếp cận triết học, sẽ góp phần khẳng định tính đúng đắn của mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời góp phần làm rõ con đường thực hiện mục tiêu này. Về vấn đề này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay là vấn đề rất thiết thực, vừa cơ bản, vừa cấp bách”.

Với 292 trang sách, cuốn sách góp phần làm phong phú thêm kho tàng sách nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong dịp hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Nội dung gồm ba chương. Chương I: Cơ sở hình thành biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội; Chương II: Biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản; Chương III: Biện chứng của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

(Theo: Phạm Ngọc Huệ/CPV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất