Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 15/2/2010 21:16'(GMT+7)

Trao đổi về việc giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Từ cuối năm 2008, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TW, Bộ Giáo dục-Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng đã từng bước triển khai thực hiện quyết định 52/2008/QĐ-BGDĐT. Cụ thể là:

- Các trường đại học, cao đẳng đã đổi tên khoa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thành khoa Lý luận chính trị. Thành lập 3 bộ môn mới: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh và Bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam trên cơ sở của 5 bộ môn trước đây là Triết học Mác-Lênin; Kinh tế chính trị Mác-Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Với chương trình mới thời lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị còn 225 tiết (giảm 105 tiết so với trước) phù hợp với phương thức đào tạo theo tín chỉ.

- Tháng 10 và 11-2008, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lớp bồi dưỡng theo chương trình mới cho giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng.

- Đầu năm 2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã xuất bản giáo trình 3 môn học: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.

- Tháng 8-2009, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức lớp bồi dưỡng giảng viên môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cho các trường đại học, cao đẳng. Lớp tập huấn được chia làm 2 đợt. Đợt 1, dành cho giảng viên trước đây giảng dạy môn Triết học Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đợt 2, dành cho giảng viên trước đây giảng dạy môn Kinh tế-chính trị Mác-Lênin.

- Tháng 12-2009, được sự uỷ quyền của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức lớp bồi dưỡng cho giảng viên môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.

- Đến học kỳ I, năm học 2009-2010, hầu hết các trường đại học và cao đẳng đã triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị theo chương trình mới gồm 3 môn học.

Sau hơn một năm thực hiện quyết định của Bộ, việc giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng đã có những chuyển biến tích cực. Việc giảm tổng thời lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị bước đầu đã đạt được mục tiêu giảm tải khối lượng cho người học đối với những môn lý luận chính trị, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, cao đẳng sắp xếp các môn học khác trong quá trình chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ.

Việc hình thành môn học Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam trên cơ sở môn Lịch sử Đảng và Đường lối kinh tế, chính trị-xã hội của Đảng đã cung cấp cho người học một cách có hệ thống và hoàn chỉnh đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như đường lối phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...

Việc lựa chọn và sắp xếp những nội dung cơ bản của 3 môn học trước đây là Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học thành môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin giúp cho người học có được những kiến thức cơ bản và có hệ thống về chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học để người học có thể nhận thức các môn học khác như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam và giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn mà cuộc sống đã và đang đặt ra.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc tổ chức sắp xếp lại các môn lý luận chính trị theo Quyết định 52/2008/QĐ-BGDĐT cũng đang đặt ra một số vấn đề đòi hỏi cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, giải quyết nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, về nội dung môn học và việc sắp xếp đội ngũ giảng viên. Đối với môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, nội dung môn học này bao gồm những nội dung cơ bản của 3 môn học trước đây là Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Chúng ta đã biết, triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học là ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy nhiên, đây là ba môn khoa học có tính độc lập tương đối, có lịch sử hình thành, có đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu riêng. Vì vậy việc lắp ghép những nội dung của ba môn khoa học này vào cùng một môn học sẽ làm cho nguời học không hiểu thấu đáo, đầy đủ cấu trúc cũng như nội dung khoa học của học thuyết Mác-Lênin.

Thứ hai, về đội ngũ giảng viên giảng dạy môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng, đội ngũ giảng viên môn học này được điều chuyển từ giảng viên giảng dạy các môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là đội ngũ giảng viên đã được đào tạo ở trình độ đại học và trên đại học theo các chuyên ngành triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo,các giảng viên giảng dạy triết học trước đây tạm thời giảng dạy phần một môn học Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin (phần thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác), còn giảng viên trước đây giảng dạy môn Kinh tế-chính trị và Chủ nghĩa xã hội khoa học đảm nhiệm giảng dạy phần hai (gồm học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lênin về phương thức sản xuất TBCN và lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH). Trên thực tế, ở nhiều trường đại học, cao đẳng, các giảng viên môn những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin đã phải đảm nhận toàn bộ cả 2 phần. Như vậy, dù có thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì đa số các giảng viên môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin đã phải đảm nhận cả những phần mình không được đào tạo chuyên sâu. Mặc dù, các giảng viên có thể bằng con đường tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ và thông qua các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức để bổ sung kiến thức cho mình, nhưng như thế là chưa đủ và cần phải có thời gian. Vì vậy, chất lượng giảng dạy và học tập của môn học này không thể không bị ảnh hưởng.

Đối với môn học đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung của môn học này được kết cấu từ những nội dung cơ bản của môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam và một số nội dung của môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa xã hôi khoa học trước đây. Như vậy, dù đội ngũ giảng viên của môn học này có được sắp xếp như thế nào thì họ cũng phải đảm nhiệm giảng dạy cả những phần mình không được đào tạo chuyên sâu. Trên thực tế, khi triển khai thực hiện quyết định 52/2008/QĐ-BGDĐT, do không có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chủ quản, việc sắp xếp đội ngũ giảng viên môn học này ở một số trường đại học, cao đẳng chưa thật phù hợp với nội dung môn học. Trong những trường hợp ấy, chất lượng giảng dạy và học tập của môn học này rất đáng được quan tâm.

Thứ ba, về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập là một đòi hỏi cấp bách trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, đối với các môn lý luận chính trị, phương pháp giảng dạy chủ yếu hiện nay vẫn theo lối thuyết trình. Các phương tiện dạy học hiện đại nếu có được sử dụng thì mới chỉ bớt được thao tác viết bảng cho giảng viên. Theo quy định, trong chương trình học tập các môn lý luận chính trị có ba mươi phần trăm số tiết dành cho sinh viên thảo luận. Song, nhìn chung hiệu quả của các giờ thảo luận còn rất thấp.

Thứ ba, về nội dung chương trình và giáo trình. Để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập các môn học theo Quyết định 52/2008/QĐ-BGDĐT, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh và giáo trình đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, giáo trình của các môn học mới chỉ là sự cắt xén và lắp ghép cơ học của các giáo trình cũ. Nội dung được trình bày trong các giáo trình còn nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn cuộc sống của đất nước và thế giới. Nếu chỉ đọc các giáo trình mới biên soạn thì người học khó có thể nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.

Để việc giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng khối không chuyên ngành Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thời gian tới được tốt hơn, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

Một là, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đổi mới hơn nữa cả về nội dung học tập, cả về phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị. Cần nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc toàn diện hơn trong việc lựa chọn những nội dung cần trang bị cho người học theo hướng thiết thực, hiệu quả phục vụ cho họ khi ra trường về làm việc ở các đơn vị sản xuất kinh doanh. Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi về lý luận mà cần phải am hiểu thực tiễn và cập nhật thông tin hàng ngày để giảng dạy các vấn đề lý luận có tính thuyết phục hơn. Có như vậy người học mới tự giác, hứng thú học các môn lý luận chính trị như học các môn chuyên ngành của họ.

Hai là, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần có các văn bản hướng dẫn việc triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị theo chương trình, giáo trình mới. Cần có quy định số tiết giảng và thảo luận cho từng phần đối với những trường đào tạo theo tín chỉ, nên quy định thống nhất về nội dung thảo luận, số lượng sinh viên cho một lớp thảo luận và giờ chuẩn cho một tiết hướng dẫn thảo luận; tiếp tục chỉ đạo sửa chữa, bổ sung giáo trình các môn lý luận chính trị đáp ứng được mục tiêu làm cho người học nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Và Bộ cần tiếp tục mở các lớp tập huấn cả về nội dung và phương pháp giảng dạy để nâng cao trình độ cho giảng viên lý luận chính trị và đảm bảo tính pháp lý cho giảng viên tham gia giảng dạy các môn học./.

Th.S Phạm Thị Minh Phượng, Phó trưởng Khoa lý luận chính trị ,Trường Đại học Giao thông-Vận tải

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất