Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 5/2/2010 21:34'(GMT+7)

“Việt Nam, Hồ Chí Minh...!”

Nhà báo Taniguchi Susumu giới thiệu với đoàn đại biểu JENESYS Việt Nam về tờ báo Yomiuri.

Nhà báo Taniguchi Susumu giới thiệu với đoàn đại biểu JENESYS Việt Nam về tờ báo Yomiuri.

Người mang "cơ duyên" với Việt Nam

Trong suốt chặng đường hơn 50 năm làm báo, trong đó hơn 19 năm làm việc cho Báo Yomiuri - nhật báo có lượng phát hành tới hàng triệu bản/ngày - nhà báo lão thành Taniguchi Susumu thường xuyên làm đặc phái viên ở nước ngoài vì phụ trách mảng tin tức quốc tế. Ông tự nhận mình "có duyên" với Việt Nam, bởi ngay từ khi là sinh viên đại học ông đã nghiên cứu đề tài "Chủ nghĩa thực dân Pháp" ở Việt Nam, Angiêri... Song, ấn tượng nhất của ông về Việt Nam là được tham gia đưa tin về sự kiện ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.

Là người trực tiếp theo dõi, đưa tin về sự kiện này tại Pari (Pháp) ngay từ khi cuộc đàm phán mới bắt đầu cho đến lúc ký kết, nhà báo Taniguchi đến nay vẫn nhớ như in từng chi tiết cũng như bối cảnh diễn ra sự kiện này. "Hội nghị Pari họp tại thủ đô Pari (Pháp) từ ngày 13-5-1968 đến 1973 và được chia làm 2 giai đoạn: hội nghị hai bên, hội nghị bốn bên. Trải qua 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp kín, ngày 27-1-1973, các bên đã tiến hành ký kết chính thức", ông bồi hồi kể lại.

Ông Taniguchi cho biết, mặc dù không tham gia trong cuộc chiến đấu chống Mỹ của Việt Nam nhưng có rất nhiều nhà báo Nhật Bản sang Việt Nam để đưa tin. Nhiều người trong số họ thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng để có tin gửi về Nhật Bản. Vì thế báo chí Nhật Bản khi đó được đánh giá là đưa tin trung thực nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra cuộc đàm phán về Hiệp định Pari, mỗi tuần có một cuộc họp báo và phóng viên Nhật Bản thường tham dự đông nhất, hơn 1/2 trong số họ là phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với mong muốn cuộc chiến tranh tàn khốc đó sớm kết thúc. Vì thế Chính phủ Mỹ khi đó rất lo sợ báo chí Nhật Bản đưa tin về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Và câu chuyện về Bác Hồ trên Báo Yomiuri

Năm 1997, nhà báo Taniguchi Susumu có dịp trở lại Việt Nam lần thứ hai và tình cờ khi vào một thư viện ở Hà Nội, ông đọc được câu chuyện "Cuộc tái ngộ" của một nhà văn Nhật Bản tên là Kiyôsi Kômátsu viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian sinh sống tại Pháp. "Nhà văn Kiyôsi Kômátsu đã từng gặp Nguyễn Ái Quốc ở Pháp năm 1920 nhưng mãi đến năm 1945 ông ấy mới có dịp trở lại Việt Nam. Ông ấy không ngờ rằng Nguyễn Ái Quốc khi đó lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi trở về Nhật Bản, nhà văn Kômátsu đã viết lại cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Pháp. Và mãi 10 năm sau bài báo này mới được dịch sang tiếng Việt", ông kể.

Nhà báo Taniguchi sau khi nghe lại câu chuyện về cuộc gặp giữa nhà văn Kômátsu và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 1-11-1999 ông đã viết bài báo này đăng tải trên nhật báo Yomiuri. Trong tác phẩm đó có đoạn ông viết: "Người ấy thật đáng cho chúng ta sùng bái và tán dương".

Dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng qua tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam cùng những câu chuyện từ nhà văn Kômátsu viết về Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Taniguchi cho biết: "Tôi thật ngưỡng mộ và khâm phục vị lãnh tụ đáng kính của các bạn. Người thật nổi tiếng trên thế giới, đã để lại nhiều bài học giá trị cho những người đi sau. Mặc dù không được gặp lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam dù chỉ một lần, nhưng tôi luôn có ấn tượng tốt đẹp về vị lãnh tụ của các bạn và dành nhiều tình cảm với con người, đất nước Việt Nam".

Nồng nàn tình yêu Việt Nam, Hồ Chí Minh

Nhà báo Taniguchi chỉ là một trong số những người bạn Nhật Bản mà chúng tôi có dịp gặp trong chương trình Giao lưu thanh thiếu niên Đông Á thế kỷ XXI (JENESYS) vào cuối năm 2009. Mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm riêng khi được nghe nói đến Việt Nam, Hồ Chí Minh. Gia đình ông bà Katô Hirôyuki và Katô Sinnôbu ở thành phố Sapôlô (tỉnh Hốccaiđô) mà chúng tôi được chọn làm nơi "homestay" (sống cùng) lại thể hiện tình yêu Việt Nam bằng cách khá thú vị.

Thật ngạc nhiên khi trong một gia đình Nhật Bản lại có cả bia Hà Nội, bia Sài Gòn, nước mắm Phú Quốc, trà Hoa Sen đãi khách... Hỏi ra chúng tôi mới biết, cũng như nhiều người dân Nhật Bản khác, ông bà Katô rất thích ăn các món ăn của Việt Nam. Mỗi lần đi ăn tại nhà hàng của Việt Nam, bà lại cố mua cho bằng được một sản phẩm nào đó "made in Vietnam" mang về bày làm kỷ niệm. Không chỉ dừng lại ở đó, ông bà Katô còn tìm đọc rất nhiều sách, báo có thông tin liên quan đến Việt Nam. Ông bà rất mong có dịp được đến Việt Nam trải nghiệm những điều đó. Vì thế tôi gợi ý ngay "Năm 2010 này Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức Đại lễ kỷ niệm tròn 1000 năm tuổi. Đây là cơ hội hiếm có để ông bà đến Việt Nam, tìm hiểu về cuộc sống và con người Hà Nội". Ông bà gật đầu thích thú.

Nhà báo Taniguchi cho biết, báo chí Nhật Bản hiện rất quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt từ khi Nhật - Việt là đối tác chiến lược của nhau.

Câu chuyện của chúng tôi với nhà báo Taniguchi vẫn còn dang dở thì đến giờ chuẩn bị cho cuộc gặp khác. Nhà báo Taniguchi nhắc đi nhắc lại với chúng tôi những băn khoăn bấy lâu mà ông chưa có dịp thổ lộ. "Giá như cuộc thương thảo giữa Nhật Bản - Việt Nam - Pháp khi đó có kết quả, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã không xảy ra. Giá như phong trào Đông du của Phan Bội Châu sang Nhật Bản thành công, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã phát triển biết mấy"…

Lúc chia tay chúng tôi, ông bà Katô Hirôyuki không ngừng hát vang "Bếttơnam" (Việt Nam), Hồ Chí Minh, Việt Nam, Hồ Chí Minh". Bà nói rằng, câu hát dễ học đã giúp bà hình dung ra đất nước Việt Nam tươi đẹp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đáng kính một cách nhanh nhất.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất