Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 16/2/2020 8:2'(GMT+7)

Nhạt nhẽo với... văn hóa

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

- Ông ơi, dạo này tôi thấy người ta hay nói nhiều về văn hóa. Nào văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, v.v và v.v.

- Thì người ta nói đúng quan điểm của Đảng về văn hóa đấy thôi!

- Nhưng người ta chỉ dừng lại ở những câu nói hay về văn hóa theo sách vở, chứ thực tế nhiều nơi vẫn ứng xử nhạt nhẽo với lĩnh vực văn hóa lắm.

- Ông có thể chia sẻ với tôi những câu chuyện thực tế đó không?

- Một cán bộ đầu ngành văn hóa địa phương kể cho tôi câu chuyện nghe chạnh lòng. Có lần cơ quan trình lên thường vụ cấp ủy một dự án trùng tu, tôn tạo một di tích cấp quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng mà dư luận báo chí đã nhiều lần phản ánh, nhưng vị lãnh đạo cấp ủy nói: Trùng tu rồi di tích có “sinh lời” cho địa phương không? Lần khác, khi ngành văn hóa đề nghị cấp kinh phí xây dựng hệ thống nhà văn hóa cấp thôn thì vị lãnh đạo này cho rằng:  Không có nhà trẻ, mẫu giáo, trường học mới đáng lo, chứ không có nhà văn hóa thôn thì đã sao đâu?

Trong lần trò chuyện với một cán bộ phòng văn hóa huyện, anh đã than phiền với tôi rằng, “mang tiếng” là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở một huyện giàu có nhất nhì tỉnh, nhưng ông chủ tịch huyện lại đối xử “nghèo” với văn hóa lắm. Khi làm tờ trình đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các đội văn nghệ cơ sở bảo tồn nghệ thuật dân gian độc đáo của địa phương để ngăn ngừa nguy cơ mai một, vị này bảo: Huyện còn bao vấn đề khác phải lo toan, chứ đâu có tiền để đầu tư cho hò với hát. Có lần cơ quan văn hóa gửi công văn giấy mời lãnh đạo huyện đến dự và động viên liên hoan văn nghệ quần chúng công - nông - binh của địa phương, ông lãnh đạo huyện dở đùa dở thật: “Lại ngồi mấy tiếng trong hội trường xem “xướng ca, nhảy nhót” à, thông cảm cho tôi còn bận nhiều việc lắm!”.

Mới đây, đi cùng với một nữ cán bộ của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chị giãi bày với tôi một câu chuyện khá buồn. Để chuẩn bị tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chị đã trình lên lãnh đạo địa phương kinh phí tổ chức hội nghị và tiền thưởng các thành phần được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Nhưng khi đến gặp, chị được vị lãnh đạo “chỉ thị miệng” phải cắt giảm tối đa kinh phí với lý do: Hội nghị về văn hóa không quan trọng như các hội nghị về chính trị, kinh tế, xã hội. Ngay cả trong báo cáo tổng kết hằng năm về các mặt công tác của địa phương, người lãnh đạo này cũng yêu cầu cấp dưới phải tô đậm kết quả, thành tích về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thành tựu về kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, còn các hoạt động văn hóa, thể thao chỉ cần lướt qua cho đủ nội dung là được!

- Nghe ông kể lại mấy câu chuyện như vậy, tôi mới biết rằng, trong xã hội ta hiện nay, không ít người, mà trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chỉ coi văn hóa là yếu tố bên ngoài, là hình thức, là bề nổi, mà không thấy hết giá trị, ý nghĩa, tầm vóc “sức mạnh nội sinh” của văn hóa.

- Đúng đấy ông ạ! Văn hóa đâu đơn giản chỉ là lễ lạt, khánh tiết, là “cờ, đèn, kèn, trống”, là ca múa nhạc, mà văn hóa còn ẩn chứa những tiềm năng to lớn, đôi khi trở thành sức mạnh phi thường khi biết khai thác đúng lúc và phát huy đúng chỗ. Văn hóa là yếu tố năng động, sáng tạo nhất trong phát triển. Vì nói về sức mạnh văn hóa thực chất là nói về sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia dân tộc, đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

- Tôi cho rằng, hiểu văn hóa phải hiểu cả ở bề rộng, chiều sâu, tầm cao, vị trí và sức mạnh của văn hóa, chứ không đơn giản là những gì “mắt thấy, tai nghe” mà các hình thức văn hóa tác động ở bên ngoài. Mặt khác, nếu nhận thức đúng về văn hóa, nhưng hành xử không đúng mực, đầu tư không thỏa đáng đối với các hoạt động văn hóa nói chung, đối với những người làm công tác văn hóa nói riêng, lại là hành vi chưa văn hóa của những người có trách nhiệm. Hay nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở nhận thức đúng về văn hóa, mà thiếu trách nhiệm đối với xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, là chưa làm tròn tư cách văn hóa của người lãnh đạo./.

Thiện Văn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất