Việt Nam và thế giới vài năm gần đây trải qua không ít lần chống lại dịch bệnh. Mỗi lần kinh qua ấy lại có thêm những bài học được đúc rút.
Trong cuộc chiến với nCoV lần này, bằng sự chủ động, quyết liệt trong
lãnh đạo, chỉ đạo, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị
giúp chúng ta kịp thời phát hiện và khống chế ngay từ những ca bệnh đầu
tiên, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Góp công lớn phải kể tới sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của hệ
thống thông tin, báo chí, truyền thông với nhiều loại hình. Thông tin
được cung cấp một cách nhanh chóng, chính xác, tạo nhiều thuận lợi trong
công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như sự
phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành... để triển khai đồng bộ các biện
pháp, hạn chế thấp nhất những tác động của bệnh dịch đối với đời sống xã
hội và cộng đồng.
Thông tin được báo chí, truyền thông cung cấp không
những góp phần rất quan trọng nâng cao ý thức phòng, chống dịch mà còn
tạo sự ổn định trong đời sống xã hội, không làm rối loạn hoạt động sản
xuất, kinh doanh...
Để có được những thông tin chính xác, đội ngũ phóng viên các cơ quan
báo chí đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy, luôn có mặt ở những khu
cách ly, nơi điều trị bệnh nhân ghi lại những hình ảnh, những câu
chuyện, những gương người tốt-việc tốt, những hành động đẹp sẵn sàng
chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, không
ít cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa tin sai, tung tin thất thiệt gây
hoang mang, bức xúc trong dư luận, đã bị các cơ quan chức năng xử lý
theo quy định của pháp luật.
Điều đáng tiếc là mặc dù cơ quan chức năng
đã xử phạt hàng chục trường hợp, nhưng vẫn có không ít người chưa nhận
thức hết sự nguy hiểm của việc lan truyền thông tin sai sự thật.
Nói về
hậu quả của thông tin thiếu chính xác, một chuyên gia y tế cho biết: Đối
với ngành y, một thông tin sai sẽ khiến hàng nghìn người lo lắng tới
tình hình sức khỏe, tập trung về bệnh viện gây quá tải, gây tổn thất về
nhân lực, vật lực. Vì thế, không chỉ trong phòng, chống dịch mà bất luận
vấn đề gì, việc cần làm đầu tiên là làm chủ được thông tin, cung cấp
cho người dân những thông tin chính xác nhất.
Thông tin thất thiệt không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, gây rối loại
xã hội, mà xét trên phương diện văn hóa còn là vấn đề đạo đức của mỗi
con người.
Bởi vậy, mỗi khi viết gì, nói gì, từng người cần suy nghĩ một
cách thấu đáo, kiểm chứng kỹ càng, tuyệt đối không vì những động cơ
thiếu trong sáng, vụ lợi mà cung cấp thông tin thiếu chính xác, nhất là
trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có sự quan tâm lớn của dư luận.
Văn hóa, phẩm chất của mỗi con người trước hết cần được thể hiện ở tính
trung thực./.
Nguyễn Hòa (qdnd.vn)