(TG)- Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế,
tỉnh Bình Dương đã đề ra 9 giải pháp để thực hiện đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà đối với đổi mới giáo dục và đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Bình Dương thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan.
Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục - đào tạo của tỉnh theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đồng thời chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tỉnh thực hiện đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Ngoài ra tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết và hợp tác về giáo dục và đào tạo; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.
Để đổi mới và nâng cao chất lượng về giáo dục đào tạo ở địa phương, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai quy hoạch mạng lưới, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp; xây dựng chính sách xã hội hóa giáo dục khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài, quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và xây dựng cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo quy định; sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích nhà giáo và cán bộ giáo dục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chế độ đãi ngộ, thu hút người có năng lực và trình độ cao về công tác tại Bình Dương. Tỉnh phát triển cơ sở dạy nghề, mở rộng hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp và vùng nông thôn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách được học nghề; chỉ đạo trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo.../.
Theo TTXVN