Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TP HCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội.
Ngày 6/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, cho ý kiến về tổng kết Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị (khóa 9) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Dự họp có đại diện các ban đảng và một số Bộ, ngành liên quan.
Báo cáo do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trình bày nêu rõ: 10 năm qua, thực tiễn chứng minh Nghị quyết 20 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố, góp phần giải quyết thể chế, tạo động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố với những quan điểm của Bộ Chính trị về vị trí trung tâm nhiều mặt, về vai trò, trách nhiệm của thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”.
Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, thành phố Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Với quy mô dân số năm 2011 là 7,5 triệu người, GDP bình quân đầu người của thành phố đạt 3.286 USD.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 10 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã rút ra 4 kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh: việc cho phép thành phố thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh là chủ trương đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay mà còn xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN.
Về phương hướng phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, báo cáo khẳng định: Thành phố sẽ phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Thành phố phấn đấu tổng sản phẩm nội địa GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 12%/năm, GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố sẽ tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện chủ trương xã hội hóa để phát triển các lĩnh vực giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục- thể thao, đạt được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TW4.
Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 7 kiến nghị, trong đó kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; cho phép thành phố xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố theo hướng các sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố; tổ chức mô hình “chuỗi đô thị” với nhiều đô thị vệ tinh trong một đô thị lớn; cho phép phân cấp nhiều hơn một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng tính tự chủ về ngân sách, về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, về tổ chức nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính…
Thành phố cũng kiến nghị có chính sách phát triển vùng và cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh; kiến nghị được bố trí vốn đầu tư phát triển giao thông vận tải theo quyết định được duyệt từ năm 2007-2020, khoảng 815.000 tỷ đồng (tương đương 39 tỷ USD).
Các kiến nghị khác là: tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố và hoàn thiện khung pháp lý về xã hội hóa đầu tư kết cầu hạ tầng, kiến nghị về xây dựng Bộ tiêu chí thành phố XHCN văn minh, hiện đại.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên dự họp thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị khóa 9; cho ý kiến đóng góp vào phương hướng phát triển thành phố trong 10 năm tới./.
(Theo: VOV)