Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 13/1/2009 18:26'(GMT+7)

Bộ GD-ĐT công bố 12 sự kiện nổi bật năm 2008

1. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Hai không" (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) và triển khai phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực".

Thứ trưởng Long cho biết, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2.
Năm học 2007-2008, các trường đã có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ HS yếu kém vươn lên, khắc phục tình trạng HS bỏ học. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT và bổ túc qua hai đợt thi năm 2008 là 86%, cao hơn năm trước 6%.

Từ năm học 2008-2009, phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực" đã được phát động nhằm tạo bước đột phá trong việc xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện cho HS. Bộ đã nhận hỗ trợ chăm sóc và phát huy giá trị 5 di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia. Sau 4 tháng triển khai đã có gần 2.200 trường phổ thông đăng ký tham gia phong trào và 2.816 di tích lịch sử, văn hóa cách mạng được các trường nhận chăm sóc.

Từ năm 2008, ngày 23/11 được chọn là Ngày về nguồn.

2. Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020

Từ tháng 8/2007, Bộ đã triển khai xây dựng Chiến lược với sự tham gia của 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài ngành. Dự thảo chiến lược xác định 6 thành tựu, 5 yếu kém của giáo dục Việt Nam, nêu ra 6 quan điểm (triết lý) để phát triển giáo dục, xác định 3 mục tiêu và 11 giải pháp, trong đó có 2 giải pháp đột phá để phát triển giáo dục tới năm 2020. Cuối năm 2008, dự thảo chiến lược đã được giới thiệu để lấy ý kiến rộng rãi.

Cuối tháng 2/2009, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết việc góp ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Chính phủ.

3. Triển khai mạnh mẽ chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội

Chủ trương chuyển hoạt động của các trường ĐH, CĐ, TCCN từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được triển khai năm 2007. Năm 2008, đánh dấu sự phát triển mới của đổi mới có tính chiến lược này.

Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh tổ chức 7 Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội cho ngành Du lịch, Chế biến Nông - Lâm - Thủy sản, Y tế... Gần 500 hợp đồng đào tạo và sử dụng nhân lực đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp với 10.000 cử nhân, kỹ sư được đào tạo theo địa chỉ.

4. Xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính của giáo dục và đào tạo 2008-2012, tiếp tục thực hiện cho HS, SV nghèo vay để học với quy mô lớn

Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án Đổi mới cơ chế tài chính là đề xuất nguyên tắc xác định mức học phí ở các cấp học và trình độ đào tạo. Học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương.

Học phí đối với đào tạo nghề nghiệp thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa Nhà nước và người học, học phí từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành tiên tới đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo.

Thực hiện chính sách tín dụng đào tạo cho HSSV, tính đến 31/12/2008 đã có 1.210 nghìn HSSV được vay vốn với tổng số tiền là 9.807 tỷ đồng.

5. Tổng kết công tác giáo dục dân tộc và xây dựng các đề án cho giai đoạn 2009-2020

Đã triển khai xây dựng Đề án phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các dân tộc đặc biệt ít người, Đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi nhằm chuẩn bị tiếng Việt cho con em dân tộc trước khi vào lớp 1...

6. Triển khai quyên góp hàng năm để mọi HS Việt Nam đi học đều đủ quần áo, SGK và đồ dùng học tập

Tính đến 7/1/2009, toàn ngành đã quyên góp được hơn 17 tỷ đồng, hơn 1 triệu SGK, vở viết, gần 31 nghìn kg quần áo, gần 400 nghìn chiếc quần áo và 15 nghìn hiện vật khác.

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) thực hiện được 36 chương trình "Thắp sáng tương lai", trao quà, tiền hỗ trợ 38 HSSV vượt khó học tập.

7. Đột phá vào chất lượng đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo

Ngày 5/1/2008, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị toàn quốc về đánh giá chất lượng giáo dục ĐH với sự tham gia của trên 400 đại biểu, đưa ra những thực trạng, đồng thời chỉ ra hạn chế, yếu kém cũng như đề xuất các giải pháp đột phá để từng bước nâng cao chất lượng.

Ngày 30/8, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị về xây dựng và hoạt động của các trường ĐH, CĐ thành lập từ năm 1998. Hơn 10 năm có 23 trường ĐH được thành lập; nâng cấp lên ĐH 55 trường và nâng cấp 107 trường TCCN thành trường CĐ.

Tiếp tục phát triển hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng của khối giáo dục phổ thông và TCCN.

Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đã có 40 trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá và 71 trường khác đang triển khai tự đánh giá, hoàn thành báo cáo tự đánh giá trong năm 2008 và 2009.

8. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính

Ngày 31/12/2008, lần đầu tiên Bộ đã tổ chức kết nối họp giao ban với 63 Sở. Bộ GD-ĐT cũng là Bộ đầu tiên nối cáp quang trực tiếp tới 63 Sở. Năm 2008, việc thực hiện chuyển văn bản điện tử đã làm giảm gần 38% số lượng văn bản gửi qua bưu điện so với năm 2007, tiết kiệm hơn trăm triệu đồng.

9. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ VII-2008 và Đoàn Thể thao sinh viên Việt Nam xếp thứ Nhì tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 14

116 vận động viên SV thi đấu 11 môn trên tổng số 22 môn thi của Đại hội đã đạt được thành tích với 45 huy chương Vàng, 28 huy chương Bạc và 23 huy chương Đồng trong tổng số 222 bộ huy chương trao tại Đại hội, vượt chỉ tiêu 1 bậc với lời hứa trước khi lên đường.

10. Thành lập Đại học Việt Đức; tổ chức thành công Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39

Ngày 10/9/2008, Trường ĐH Việt Đức đã khai giảng năm học 2008-2009 khóa đầu tiên với 35 SV ngành Kỹ sư Điện.

Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 82 đoàn quốc tế. Đoàn Việt Nam với 5 thí sinh đã đoạt 4 huy chương Vàng và 1 huy chương Đồng.

11. Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú với số lượng nhà giáo lớn nhất từ trước tới nay

Có 917 người được phong tặng danh hiệu cao quý này, trong đó 101 Nhà giáo Nhân dân. Sau 10 năm (1998-2008) có 354 người được phong tặng Nhà giáo Nhân dân và 5.091 người được phong tặng Nhà giáo Ưu tú.

12. Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2008-2013) đã thành công và thông qua 5 chương trình hoạt động của nhiệm kỳ.

Theo VNN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất