Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 8/1/2009 22:9'(GMT+7)

Chung sức vì chất lượng giáo dục vùng khó khăn

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được Ðảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Với sự nỗ lực vượt khó của toàn thể nhân dân cùng hơn một triệu giáo viên và 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước cho nên chất lượng giáo dục đạt kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do thu nhập bình quân đầu người giữa thành phố và các tỉnh miền núi chênh nhau tới ba lần, giữa địa phương có thu nhập thấp nhất với địa phương có thu nhập cao nhất tới năm lần. Mặt khác, dân cư thưa thớt, nền kinh tế còn kém phát triển cho nên việc đến lớp học tập, nâng cao trình độ của học sinh vùng khó khăn cũng không dễ. Trong khi ở các thành phố và các tỉnh đồng bằng, đời sống nhân dân đã được nâng cao; cái đói, cái rét đã không còn đeo bám nặng nề thì còn nhiều nơi, nhất là vùng núi, vùng sâu, mỗi mùa đông đến vẫn còn nhiều học sinh không đủ áo ấm đi học, không đủ chăn ấm ngủ qua đêm. Bên cạnh đó, thiên tai hằng năm cũng gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở vật chất của các trường học. Mỗi trận bão hoặc mỗi cơn lũ dữ đi qua lại có hàng trăm phòng học và đồ dùng học tập bị cuốn trôi, hư hỏng; hàng nghìn giáo viên, học sinh lâm vào tình thế khó khăn, phải học nhờ, học tạm. Ðáng chú ý, vẫn còn hiện tượng học sinh vùng sâu, vùng xa chỉ ăn một bữa trong ngày hoặc phải dành nhiều thời gian cho lao động kiếm sống giúp gia đình, không có nhiều thời gian cho học tập.

Trước những khó khăn, bất cập đó, cùng với những chính sách ưu tiên của Nhà nước, việc chung tay chia sẻ, giúp đỡ các giáo viên, học sinh vùng khó khăn có thêm điều kiện để dạy và học ngày một tốt hơn của cộng đồng là điều cần thiết. Vì vậy, cuộc vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp đỡ học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động nhận được sự hưởng ứng sâu rộng. Bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 9-2008 đến nay, đông đảo các tổ chức, cá nhân trong cả nước nhiệt tình quyên góp, ủng hộ những gì có thể, giúp các thầy giáo, cô giáo gắn bó với trường lớp, giúp cho hàng triệu học sinh bớt khó khăn cắp sách đến trường. Ðến hết tháng 12-2008, cả nước đã quyên góp hỗ trợ giáo viên, học sinh các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khó khăn được hơn 12 tỷ 966 triệu đồng, hơn 977 nghìn cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, 232 nghìn 813 đồ dùng học tập, hơn 420 nghìn chiếc và hơn 25 nghìn kg quần áo... Trong đó, có 17 tỉnh, thành phố được phân công quyên góp cho các tỉnh vùng núi khó khăn được hơn năm tỷ 873 triệu đồng, hơn 211 nghìn cuốn sách, hơn 242 nghìn chiếc và 16 nghìn 500 kg quần áo. Một số tỉnh, thành phố quyên góp ủng hộ số lượng lớn như TP Hồ Chí Minh hơn hai tỷ đồng, tỉnh Hải Dương 390 triệu đồng, tỉnh Hà Nam hơn 373 triệu đồng... Ðáng chú ý, không chỉ 17 tỉnh được phân công mà còn có 24 tỉnh, thành phố khác trong cả nước quyên góp ủng hộ hơn sáu tỷ 466 triệu đồng và 699 nghìn cuốn sách... Bên cạnh đó, hệ thống các đơn vị của ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng cũng đã hỗ trợ các địa phương, đơn vị khó khăn hơn 623 triệu đồng cùng hàng chục nghìn cuốn sách, đồ dùng học tập... Sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân góp phần quan trọng để năm học 2008-2009, cơ bản học sinh trên cả nước không thiếu sách giáo khoa, mùa đông ấm áp hơn. Ngoài ra, học sinh vùng núi cao bước đầu được tiếp cận, sử dụng nhiều đồ dùng học tập...

Có thể nói, cuộc vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp đỡ học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã mang lại kết quả thiết thực. Cuộc vận động không chỉ khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục vùng khó khăn nói riêng ngày càng đạt kết quả cao./.

Ðóng góp ý kiến về chiến lược phát triển giáo dục

Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020" của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục đã được trình bày tại Hội thảo do Hội Người cao tuổi Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua, 7-1.

Ðề cập những cơ hội và thách thức của ngành giáo dục nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của nền giáo dục bảo đảm chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh, hướng tới một xã hội học tập đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH và tiến trình phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, trước xu thế phát triển KHKT nhanh chóng, ngành giáo dục và đào tạo nước ta cần có bước đi phù hợp, khoa học, theo cách tư duy, phương pháp tiếp cận mới. Theo đó, thời gian tới, giáo dục và đào tạo phải thật sự là một lực lượng sản xuất thúc đẩy xã hội phát triển. Chiến lược giáo dục bên cạnh chú trọng việc "dạy chữ - dạy người - dạy nghề", cần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển con người một cách toàn diện. Một số ý kiến của chuyên gia đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu về giáo dục mầm non, xóa mù chữ cho người lớn tuổi, phát triển mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phù hợp thực tế và yêu cầu. Chiến lược nâng cao dân trí thông qua một nền giáo dục "mở", mô hình gia đình học tập, tổ chức học tập, xã hội học tập; chiến lược giáo dục thể chất và nhân cách con người Việt Nam; chiến lược về các nguồn lực cho công tác giáo dục... đã được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo./.

(Theo: Nhân dân ĐT)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất