Gần đây, dư luận xã hội khá “nóng” trước
những thông tin liên quan nhiều người thân của một số cán bộ lãnh đạo
các địa phương, các sở, ngành được bổ nhiệm, quy hoạch vào các vị trí
lãnh đạo.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày tại Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV đã có nêu tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà.
Người thân của cán bộ được bổ nhiệm sẽ không có gì sai nếu bảo đảm các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ, uy tín, đạo đức, lối sống, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, dư luận không khỏi đặt câu hỏi khi trên thực tế có những trường hợp cán bộ là con em của đồng chí này, đồng chí nọ yếu kém về năng lực chuyên môn; đạo đức, tác phong thiếu thuyết phục; vừa mới ra trường đã thăng tiến nhanh, trong khi so sánh về tài năng, năng lực chuyên môn... thì nhiều người khác cùng cơ quan, đơn vị còn hơn hẳn, nhưng vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Hầu hết các trường hợp được bổ nhiệm như thế đều được thực hiện đúng quy trình, nhưng quy trình sẽ chỉ là hình thức, là bình phong nếu người cầm cân nảy mực không thật sự khách quan, công tâm, không vì sự nghiệp chung mà chỉ nhăm nhăm đưa người thân lên vị trí này, vị trí nọ.
Người dân mong Đảng, Nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tổ chức cán bộ, nhất là với những trường hợp có nhiều nghi vấn. Quan trọng hơn, cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của cán bộ, để những người không đủ khả năng dù có được bổ nhiệm nhưng nếu không làm việc được thì cũng bị phát hiện, cho thôi chức.
Để có cơ sở kiểm tra, giám sát, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi vị trí lãnh đạo cần có chương trình hành động, chiến lược nhằm đưa đơn vị, địa phương phát triển, được công khai rộng rãi để nhân dân, xã hội giám sát, phản biện. Nếu bị phản biện mà không bảo vệ được, nghĩa là chương trình, chiến lược không đúng đắn, khi đó cán bộ, người đứng đầu đơn vị cũng không thể tại vị. Khi đã bảo vệ được chương trình, chiến lược đề ra, nhưng nếu trong thời gian nhất định không thực hiện được thì cũng cần kiểm điểm, thay thế cán bộ... Nghĩa là, mỗi vị trí lãnh đạo cần là một chiếc “ghế nóng”, để người không đủ điều kiện chắc chắn không thể ngồi được. Chỉ khi như vậy, “người nhà” mới không tranh được chỗ của “người tài” và mới thật sự tạo động lực phát triển cho đất nước.
Theo Hà Vy/Nhân dân