Cho
ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) Khóa XIV. Nhiều Ủy viên UBTVQH
nêu yêu cầu chuyển mạnh từ QH tham luận sang thảo luận, đồng thời đề
xuất tiếp tục đổi mới phương pháp thảo luận, tăng cường tranh luận như
cam kết mà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu.
Căn cơ và khoa học
Theo
dự kiến chương trình, trong 24 ngày diễn ra Kỳ họp thứ 2, QH sẽ xem
xét, thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến vào 14 dự án
luật khác. QH cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao Việc thực hiện
chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 -
2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xem xét nhiều vấn đề
quan trọng khác. Để hoàn thành khối lượng công việc trong điều kiện thời
gian kỳ họp không nhiều, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh
Phúc cho rằng, cần tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu
quả tại các kỳ họp trước như ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo;
thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường; bố trí
thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau đối với những nội dung có liên quan…
Đồng thời, việc xây dựng chương trình Kỳ họp thứ 2 phải rất căn cơ và
khoa học, bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất thời gian họp của QH.
Nhiều
đề xuất cụ thể điều chỉnh nội dung làm việc đã được các thành viên
UBTVQH đưa ra nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thời gian của kỳ họp. Theo
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, nên bố trí dành trọn một ngày để QH
thảo luận dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch
đầu tư công trung hạn 5 năm và quyết định mục tiêu về vốn. Cụ thể, nên
tách thành hai nhóm: Buổi sáng thảo luận kế hoạch tài chính 5 năm, kế
hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và mục tiêu định hướng huy động vốn;
buổi chiều sẽ tập trung thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2017,
đánh giá việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Như vậy, sẽ
gọn và bảo đảm tính tổng thể hơn. Cho rằng việc sắp xếp, bố trí nội
dung chương trình Kỳ họp QH là cả một nghệ thuật, Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu rõ, dự kiến nội
dung chương trình Kỳ họp thứ 2 đã được chuẩn bị tốt, song mong muốn là
cần được cân nhắc và chuẩn bị kỹ hơn nữa, bảo đảm sắp xếp các nội dung
theo nhóm vấn đề, tránh xé lẻ, phát huy tối đa vai trò cũng như sự đóng
góp của các ĐBQH. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần tiếp thu
các ý kiến đóng góp để bố trí dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp một
cách hợp lý hơn, xác định rõ nội dung nào làm trước, nội dung nào làm
sau, bảo đảm tính logic của vấn đề.
Tiếp tục đổi mới phương pháp thảo luận
Về cơ bản, công tác chuẩn bị cho
Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV của Tổng Thư ký QH đã được tiến hành chu đáo,
cẩn trọng, có nhiều đổi mới, bao quát được hết công việc, nội dung QH
sẽ bàn và quyết định. Trước hết, về nguyên tắc, những nội dung trình ra
QH tại tất cả các kỳ họp cần phải được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm đúng
Hiến pháp và pháp luật. Việc chuẩn bị phải bảo đảm tiến độ đã đề ra,
nhưng không phải vì tiến độ mà chúng ta bỏ qua chất lượng và những quy
định của luật. Trong quá trình chuẩn bị, cần xác định rõ trách nhiệm các
cơ quan của QH, Chính phủ, các cơ quan có liên quan. Chúng ta phải giữ
nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp
luật về hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan
trọng của đất nước. Theo đó, tất cả những vấn đề trình ra QH phải được
thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng, không bỏ qua một khâu nào, tránh
tình trạng kịp tiến độ nhưng chưa đủ thủ tục, hoặc chất lượng chưa bảo
đảm, còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng đã trình QH.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
|
Đây là đề xuất
của nhiều Ủy viên UBTVQH với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả,
hiệu lực các hoạt động của QH. Và việc đổi mới này cần bắt đầu ngay với
công tác lập pháp. Như đề xuất của các ĐBQH đó là cần dành thời gian
thỏa đáng hơn để cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật có điều kiện báo
cáo, giải trình về những quan điểm, ý kiến, thậm chí là tranh luận với
ĐBQH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Gắn trách nhiệm của bộ
trưởng, cơ quan chủ trì soạn thảo với toàn bộ quá trình xem xét, cho ý
kiến, thông qua các dự án luật. Tương tự như vậy, trong các phiên thảo
luận về các dự án luật, không nên tiếp tục duy trì cách thức cũ, đó là
Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH đã có báo cáo thẩm tra, nên sau khi QH
đã thảo luận, mặc dù có nhiều ý kiến, nhưng Thường trực Hội đồng Dân
tộc, các Ủy ban của QH chủ yếu là ngồi im lặng. Theo Phó Chủ
tịch QH Uông Chu Lưu, cơ quan thẩm tra cũng cần có sự trao đổi, tranh
luận để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình đã thể hiện trong báo cáo
thẩm tra. Điều này sẽ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hoạt động
lập pháp của QH.
Cùng quan điểm và
để bảo đảm chặt chẽ, cụ thể hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề
nghị, sau khi dự thảo Luật được trình QH lần đầu tiên và sau phiên thảo
luận tại tổ, QH cần yêu cầu một đồng chí thừa ủy quyền của Thủ tướng
Chính phủ, nếu Chính phủ là cơ quan trình (với các ngành khác là người
ký tờ trình hoặc người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo), phải giải
trình về xu hướng tiếp thu ý kiến ĐBQH và tranh luận với ĐBQH sau khi có
tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ về dự án Luật. Như chia sẻ thẳng thắn
của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, để chuyển từ QH tham luận sang QH
thảo luận, tranh luận thì phải cho cơ quan soạn thảo tranh luận lại với
các ĐBQH. Hiện nay, QH mới chủ yếu tranh luận trong thảo luận về kinh tế
- xã hội thông qua việc mời các bộ trưởng giải trình thêm về những vấn
đề ĐBQH quan tâm. Nhưng trong công tác xây dựng luật, khi dự án Luật đã
trình ra QH thì việc tranh luận lại của cơ quan soạn thảo gần như đang
bị khuyết. Theo đó, cần bố trí thời gian để cơ quan soạn thảo phát biểu,
tranh luận, làm rõ về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. “Đã
tranh luận là bộ trưởng tranh luận, chỗ này không ủy quyền được”, Chủ
tịch QH dứt khoát.
Tiếp tục đổi mới
quy trình, thủ tục làm việc của QH tại các kỳ họp, trong đó có việc tăng
cường tính tranh luận, từng bước chuyển từ một QH tham luận sang QH
thảo luận, tranh luận là một trong những cam kết mà Chủ tịch QH Nguyễn
Thị Kim Ngân đã nêu ra sau khi được QH bầu làm Chủ tịch QH Khóa XIV. Đây
được xác định là một trong những biện pháp nhằm hiện thực hóa thông
điệp xây dựng một QH đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và hành động. Thông
điệp này đã và đang được cụ thể hóa, thực hiện nghiêm ngay từ việc chuẩn
bị cho Kỳ họp thứ 2 sắp tới. Với sự chuẩn bị chu đáo, yêu cầu rõ ràng,
tin rằng, việc áp dụng những đổi mới về quy trình, thủ tục, cách thức
bàn và quyết đáp của QH sẽ tạo ra những chuyển động thực sự trong việc
nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của QH, đáp ứng
mong mỏi và kỳ vọng của cử tri cả nước.
Phương Thủy (daibieunhandan.vn)