Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 17/9/2016 21:1'(GMT+7)

Thái độ quyết định phương pháp thi

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo đó, trong 5 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), chỉ duy nhất môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác thi trắc nghiệm khách quan.  

Việc thay đổi hoàn toàn hình thức thi môn Toán từ tự luận truyền thống sang phương thức thi trắc nghiệm ngay lập tức nhận được hàng loạt các ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng từ thay đổi hình thức thi sẽ dẫn đến đổi mới cách dạy học, cả thầy và trò sẽ thiếu sự đào sâu rốt ráo đến tận cùng một vấn đề, như vậy sẽ làm thui chột phương pháp tư duy logic, khả năng lý luận và trình bày để có nội lực nền tảng nghiên cứu các lĩnh vực khoa học khác của học sinh. Gây ra hệ lụy lớn lao với nền giáo dục quốc gia. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản biện rằng đây chỉ là phương cách đo lường giáo dục. Thông qua đó đánh giá được năng lực và kết quả học tập của học sinh, nên dù thi theo phương thức nào thì học sinh đều phải nắm được kỹ năng và biến thành năng lực của mình. Thi trắc nghiệm, học sinh vẫn phải tư duy từng bước để tìm ra đáp án đúng.

Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cũng cho rằng mục đích của kỳ thi THPT quốc gia không phải để chọn nhân tài nên trắc nghiệm là phù hợp; ưu điểm dễ nhận thấy về mặt kỹ thuật khi thi bằng hình thức này là: Chấm thi nhanh, chính xác và tương đối khách quan; tiết kiệm thời gian và chi phí của toàn xã hội; có thể bao quát và đi hết chương trình học của học sinh…

Xét từng góc độ cả hai phương thức thi đều có ưu và nhược điểm, nên việc thi theo hình thức nào có lẽ sẽ là vấn đề không phải “một sớm một chiều” có lời đáp. Tuy nhiên, những tranh luận, lo lắng của người làm giáo dục dường như đang khiến cả xã hội bị cuốn vào “vòng xoáy” thi cử mà quên đi phần gốc của vấn đề: Thái độ học tập.

Câu chuyện thi bằng phương thức nào sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu người học có một thái độ học tập đúng đắn. Do thái độ học tập chưa tốt, người học sẽ học tập không nghiêm túc, học đối phó, học chỉ để thi và dễ bị tác động, chùn bước trước những khó khăn, thay đổi. Bởi vậy, thay vì quá chú trọng vào việc thi như thế nào, việc cần làm hơn là dạy học sinh có một ý thức học tập tốt, luôn xác định đúng mục tiêu và động lực học tập là học để có kiến thức, có kỹ năng và trên hết là học làm người, để phục vụ cho Tổ quốc và để rèn luyện cho mình thành con người có ích và dù đi “con đường” nào, các em vẫn có thể tới “đích”. Do đó, chỉ khi học sinh có niềm vui và say mê học tập mới mang lại luồng gió mới, sự tốt đẹp cho nền giáo dục Việt Nam./.

Khánh Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất