Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 17/9/2016 16:21'(GMT+7)

Từ thủy điện sông Bung...

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: ITN)

Bao nhiêu tiếng kêu thấu giời về mở loạn thủy điện, thực chất là tàn phá rừng quá ghê, vẫn chưa đủ để bừng tỉnh về mở thủy điện quá đà, quá sức chăng?

Thủy điện sông Bung 2 vừa bị vỡ gây hậu quả nghiêm trọng, các vị “vẽ ra” quy hoạch thủy điện loạn xạ, các doanh nghiệp hăng hái mở thủy điện giờ đổ vấy cho thiên tai liệu có đúng không?

Thủy điện sông Bung 2 vỡ là do nhân tai, do chính con người giờ phải trả giá. Hãy đến với huyện Nam Giang, Quảng Nam, đến với thủy điện sông Bung 2, nghe người dân kêu, mới thấy thủy điện đang phá vỡ quy hoạch, tàn phá môi trường sống của con người thế nào? Dân Nam Giang đã nghèo, giờ tài sản trôi theo dòng nước hết, ngành điện nói gì, Bộ Công thương nói gì. Đã đến lúc không thể cứ che đi sự thật phũ phàng về rừng bị tàn phá, về chặn sông, nắn dòng chảy tự nhiên, mà cứ vút cao “bài ca” thủy điện.

 Quá giật mình với các cơ quan làm quy hoạch vẽ ra tới 1.097 dự án thủy điện lớn nhỏ. Chả biết ngành điện và Bộ KH - ĐT, Bộ TN - MT, Bộ Công thương khảo sát đánh giá tiềm năng thủy điện thế nào mà “trương lên” con số tổng công suất khai thác từ thủy điện tới 35.000MW quá “khủng”? Ai hay, tính toán kỹ thì cũng chỉ cỡ 26.000MW thôi. Con số 35.000MW bằng công suất của 35 nhà máy thủy điện Hòa Bình, nghe quá giật mình!

Ai không mơ đất nước có nhiều điện? Nhưng giấc mơ trên cả huyền ảo, cứ “vẩy bút” loạn xạ quên cả trời đất trong xây dựng quy hoạch thủy điện liệu có nên? Nói gì khi bốn tỉnh miền Trung và hai tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Đắk Nông có tới 150 nhà máy thủy điện? Riêng tỉnh nghèo Quảng Nam quy hoạch 62 dự án với tổng công suất 1.601MW. Cả nghìn MW điện làm ra từ thủy điện ở Quảng Nam ai mà không mộng, không mơ? Các cục, vụ, các chuyên gia vẽ ra quy hoạch thủy điện xa lắc hãy rời phòng máy lạnh về với cô bác ở các huyện Nam Trà My, Nam Giang đang khốn khổ vì thủy điện thế nào? Có hay đồng bào Pà Ooi chạy lũ với lưu lượng 560m3/s trong tiếng than khóc. Ai hay hồ mới tích nước cho thủy điện sông Bung 2, mực nước đâu đã cao mà đã vỡ cửa van, đã gây họa quá ghê. Một con sông Bung mà quy hoạch tới 5 nhà máy thủy điện, thì sông Bung oằn mình gánh quá nặng chịu sao nổi? Dân sống quanh thủy điện thì quá khốn khổ, gian nan, đêm lo lũ cuốn, ngày lo nhà sập. Còn các nhà đầu tư ngăn dòng xây đập thì mơ túi tiền lợi nhuận thu từ thủy điện sẽ càng phồng to hơn!

Liệu đất nước có nhiều thủy điện kiểu sông Bung thế này không? Cứ cách trả lời “tỉnh khô” cho rằng thủy điện sông Bung 2 vỡ là do thiên nhiên, là do cái tội lỗi đổ cả lên đầu thiên nhiên, lên đầu “ông giời”, sao dễ lọt tai dân? Cứ tính để có 1MW điện, thì 10ha rừng mất đi, đủ thấy thủy điện tàn phá kinh khủng thế nào?

 Tại QH, kỳ họp nào cũng “nóng” về quản lý buông lỏng đất rừng, cảnh báo về tình trạng rừng bị mất. Nhưng quy trách nhiệm, thì cũng chỉ nghe lời ngậm ngùi từ nguyên Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát “chúng tôi nhận lỗi”!

 Mới thấy câu chuyện làm quy hoạch cho tổng thể một quốc gia nói chung, và quy hoạch thủy điện nói riêng rất non tầm thiếu chiến lược dài xa. Có hay không chuyện chạy dự án, có hay không chuyện “xin - cho” dự án thủy điện? Cứ ký tá cấp phép kiểu “ngẫu hứng” chả chết ai, nên có dòng sông phải oằn mình gánh trên mình hàng chục nhà máy thủy điện có gì lạ? Thôi thì chặn sông, bẻ ngoặt cả dòng chảy, nên thủy điện An Khê - Gia Lai từng nóng tại kỳ họp QH khóa trước. Kỳ họp thứ 2, QH Khóa XIV tháng 10 tới đây, có thể câu chuyện thủy điện sẽ lại càng nóng bỏng hơn trước tình trạng quy hoạch thủy điện quá nhiều.

Thiết tưởng Bộ KH - ĐT, Bộ TN - MT, Bộ Công thương hãy cùng ngành điện tổng rà soát lại quy hoạch thủy điện cả nước để siết cho chặt lại. Dự án thủy điện nào không chuẩn, không còn thích hợp kiên quyết loại ra không làm nữa. Hơn thế cũng cần tính toán điện cần đến đâu. Còn cứ  “xoải tay” vay vốn nước ngoài về làm điện vừa tốn kém, vừa đảo lộn môi trường, phá rừng, làm khổ dân để cung ứng điện cho những doanh nghiệp né thuế, trốn thuế, ngân sách chả thu được đồng nào, đất nước sao có thể chấp nhận?

Đăng Quang (daibieunhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất