Trước thềm năm học mới 2016-2017, việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đưa thông điệp cấm hoạt động dạy thêm trong nhà trường được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, trước khi hoàn tất công tác chuẩn bị, tham mưu giúp UBND thành phố điều chỉnh, sửa đổi Quyết định 21 đã được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo của TP Hồ Chí Minh yêu cầu ngừng dạy thêm, kể cả với các trung tâm thuê cơ sở tại các trường; kỷ luật mức buộc thôi việc những giáo viên cố tình dạy thêm học sinh chính khóa; kỷ luật với hình thức cao nhất với hiệu trưởng nếu để xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Đây được xem là quyết định về giáo dục mạnh tay nhất từ trước đến nay ở thành phố rộng, năng động, đông dân nhất cả nước tính đến thời điểm này.
Học thêm, dạy thêm vốn xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh trước các kỳ thi cuối cấp, như tuyển sinh vào lớp 10 và cuối lớp 12. Thế nhưng, lâu nay, hoạt động học thêm, dạy thêm ở các trường phổ thông bị lạm dụng, trở thành “phong trào” tự phát. Chỉ tính riêng ở TP Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 1/3 học sinh đang học thêm. Trong đó, khoảng 100.000 học sinh tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ học chính khóa; 190.000 học sinh THCS, THPT học thêm tại cơ sở dạy thêm trong trường và khoảng 30.000 em tham gia học tập tại các cơ sở ngoài nhà trường. Ở các địa phương khác, hoạt động học thêm, dạy thêm cũng diễn ra phổ biến và biến tướng dưới nhiều hình thức, gây ra một số hệ lụy không tốt đối với xã hội, người dân.
Chẳng hạn, trong giờ học chính khóa, một số giáo viên không làm hết trách nhiệm truyền đạt kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho học trò, nên chất lượng học tập của học sinh không tốt; phụ huynh buộc phải “tự nguyện” đăng ký học thêm cho học sinh bằng việc viết đơn nộp giáo viên. Nếu học sinh không học thêm thì có thể sẽ gặp bất lợi khó lường. Ở một số trường, tổ chức dạy thêm để có thêm nguồn thu nhập cho giáo viên, trả công cho giáo viên và nhân viên mà trường hợp đồng thêm vì không có biên chế. Vì vậy, dư luận cho rằng, học thêm nhiều khi trở thành “học chính”, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ trong Thông tư 17 và ban hành từ năm 2012. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về dạy thêm biến tướng thì chưa thấy. Do vậy, việc làm của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh là cần thiết.
Để chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, trước hết, các trường cần nắm chắc và thực hiện Thông tư 17 triệt để. Cần xây dựng chế tài xử lý đối với trường hợp giáo viên cố tình dạy thêm ở trong trường, đặc biệt là ép buộc học sinh học thêm, “kỳ thị” học sinh không học thêm...
Thiết nghĩ, học tập là quá trình tích lũy kiến thức liên tục theo thời gian trên cơ sở tự giác của người học. Chúng ta không thể nhồi nhét quá mức kiến thức nếu con trẻ không muốn học. Điều cần nhất hiện nay là trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản để các em trưởng thành, trở thành công dân có ích, biết chăm sóc bản thân, có khả năng tự kiếm sống lương thiện bằng sức lực, trí tuệ sau này. Đồng thời, học sinh cũng có nền tảng kiến thức cơ bản để tiếp thu nội dung ở các bậc học khác và học nâng cao hơn trong tương lai. Do vậy, quá trình học của các em cần gắn chặt với thực tế và lao động cũng như phân bổ thời gian vui chơi, giải trí phù hợp. Nếu tình trạng dạy thêm tràn lan không được ngăn chặn kịp thời, nó sẽ biến thế hệ tương lai thành người máy, học gạo, học cho người lớn và thiếu kiến thức thực tế.
Dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật. Dạy thêm thế nào và học thêm thế nào, cấm hay không, là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nhưng đừng ép buộc học trò phải “tự nguyện” học thêm./.
Mạnh Thắng (QĐND)