(TG)-Quy hoạch là rất cần thiết và quan trọng trong hoạt động quản lý, điều hành, nhất là trong lĩnh vực giao thông, xây dựng… Mục đích của quy hoạch là để điều chỉnh, đưa lĩnh vực, nội dung cần quản lý đi vào nề nếp, tránh phát triển manh mún, lộn xộn không khoa học gây khó khăn cho công tác quản lý và sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch đang được tiến hành tràn lan, nhiều lĩnh vực không cần thiết phải quy hoạch nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành quy hoạch. Đặc biệt là cơ quan chức năng đang quy hoạch cả ở một số ngành, lĩnh vực mang tính cạnh tranh như kinh doanh, thương mại hoặc đặc thù như công chứng, chứng thực… đã làm cho hoạt động quy hoạch bị biến tướng, méo mó, gây cản trở cho sự phát triển đi lên của xã hội.
Dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến những bất cập trong việc quy hoạch đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Theo quy định hiện hành thì để được cấp phép mở cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu thì điều kiện đầu tiên là địa điểm dự kiến kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do điều kiện này mà nhiều trường hợp người dân muốn kinh doanh bán lẻ xăng dầu nhưng không được cấp phép, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, điểm bán lẻ nhiều nơi còn quá ít. Chính vì “vướng” quy hoạch mà ở một số địa phương gần như bị độc quyền, chi phối bởi một số ít doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác muốn kinh doanh mặt hàng này nhưng rất khó, thậm chí không thể “chen chân” được.
Việc quy định điều kiện phải phù hợp quy hoạch trong kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn hiện nay là chưa hợp lý, không phù hợp với thực tế hiện nay. Bởi vì, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu quan trọng đối với người dân, không thuộc hàng cấm, hàng đặc dụng và việc kinh doanh xăng dầu mang tính cạnh tranh cao. Do đó, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu là quản lý về điều kiện cháy nổ, kỹ thuật, khoảng cách với khu dân cư, điều kiện về lao động nghiệp vụ… Riêng đặt địa điểm không cần thiết phải quản lý, việc có nhiều điểm bán lẻ xăng dầu có nằm kề nhau hoặc trong một khu vực có nhiều điểm bán lẻ xăng dầu thì vẫn hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì. Việc kinh doanh, cạnh tranh giữa các cá nhân, tổ chức là theo quy luật thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, những điểm kinh doanh xăng dầu nào hoạt động tốt, giá cả phải chăng thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn và điểm bán lẻ nào không đủ điều kiện, bán giá cao, gian dối thì sẽ bị thị trường đào thải.
Mặt khác, việc quy định khoảng cách trong quy hoạch kinh doanh bán lẻ xăng dầu sẽ phát sinh các tiêu cực như: Một số người nắm được thông tin quy hoạch sẽ nhanh tay chiếm những địa điểm đã được phê duyệt trong quy hoạch nhưng không để kinh doanh mà bán lại cho những người khác với giá cao để trục lợi hoặc những người có thẩm quyền trong việc quản lý tham mưu, phê duyệt quy hoạch sẽ lợi dụng quy hoạch để tiêu cực, nhũng nhiễu, nhận hối lộ…
Thực tế nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt quy hoạch nhưng quy hoạch bị phá vỡ vì sự phát triển nhanh chóng của xã hội hoặc ngược lại tình trạng không thực hiện tốt quy hoạch hoặc quy hoạch “treo” diễn ra khác phổ biến. Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch hoặc quy hoạch “treo” là quá rõ, gây thiệt hại lớn cho xã hội, tuy nhiên hầu như chẳng có bất cứ chế tài gì để xử lý những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu được lành mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và góp phần phát triển đất nước các cơ quan chức năng cần sớm bỏ quy định về quy hoạch kinh doanh xăng dầu, nếu có chỉ nên quy hoạch kho chứa xăng dầu. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành về điều kiện cháy nổ, kỹ thuật, lao động, nghĩa vụ tài chính… Có như vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu mới đi vào nề nếp, cạnh tranh lành mạnh hạn chế tình trạng độc quyền, phụ thuộc vào các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng./.
Vĩnh Linh