Thứ Hai, 9/12/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 23/8/2015 20:38'(GMT+7)

Cẩn trọng khi phát ngôn

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Điều mà vị đại biểu Quốc hội cho rằng “không nên” ấy, theo người viết bài này, có một lý do rất quan trọng là sự chủ quan, thiên kiến, thiếu nghiêm túc của việc “bàn góp việc công” không đúng nơi, đúng chỗ, sẽ làm gia tăng tình trạng nhiễu loạn, võ đoán, thiếu kiểm soát về thông tin, làm dư luận phân tâm, hồ nghi, phản ứng trái chiều.

Trước sự bùng nổ của internet, những thông tin không chính thống-vẫn được gọi nôm na là “vỉa hè”, tin đồn, “tin vịt”-mang tính đại ngôn, bịa đặt, kích động, xâm phạm đời tư của lãnh đạo các cấp, suy diễn tiêu cực những vấn đề quốc gia đại sự… là điều cần bị phê phán và ngăn chặn. Từ sự việc không có thật, được rỉ tai nhau, bàn tán, lan truyền qua những chiếc loa miệng, qua quán cóc vỉa hè, trong những cuộc bia hơi tào phào… ít nhiều tạo dư luận không tốt trong xã hội. Cần phải nói rằng, bên cạnh sự xuyên tạc, bịa đặt, chống phá của các thế lực thù địch; sự hằn học, móc máy, kích động của các phần tử cơ hội, bất mãn, biến chất, thì cũng có không ít những người đang là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, do vô tình hay cố ý, đã góp phần tạo nên những thông tin theo dạng “vỉa hè”, sai lệch ấy. Họ thường là “hoạt náo viên” trong các cuộc vui; có khả năng lợi khẩu, đa ngôn, thích khoe khoang, muốn chứng tỏ sự am tường, hiểu biết, thạo tin…Vì thế, đã trở thành một trong những tác nhân nòng cốt để tin đồn loang nhanh, bay xa. Nguy hại hơn, có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong lúc hứng khẩu “rượu vào lời ra” đã mang cả chuyện nội bộ cơ quan, đơn vị; những dự kiến chủ trương, đường hướng lãnh đạo có tính cơ mật để “làm quà” hoặc mua vui với bạn bè, thân hữu. Tiếng nói, lời kể thiếu kiểm soát của những cán bộ có vị trí công tác trong xã hội hay những công chức, viên chức mắc thói bốc đồng, khoác lác, huênh hoang (từ lóng ngoài xã hội thường gọi là “nổ”, “chém gió”) có thể còn nguy hại không kém việc lan truyền, phát tán thông tin xấu độc trên internet. Bởi vì, đối với không ít người dân mộc mạc, chất phác, cả tin, thì những lời truyền khẩu mang yếu tố cơ mật ấy giống như một liều thuốc làm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ; làm cho họ thực sự tin tưởng, dẫn đến hành động, phản ứng trái chiều theo những điều được lĩnh hội, tiếp nhận. Nói cách khác, vị trí, cương vị xã hội mà cán bộ, công chức đang công tác chính là sự “bảo lãnh” cần thiết về độ trung thực, chính thống của thông tin... Và đó cũng là khởi đầu cho một hành trình nhiều thêu dệt, biến thái, nguy hại của tin tức “vỉa hè”!

Từ những luận giải trên, điều nên làm hiện nay trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp… là cần thống nhất nhận thức về vấn đề phát ngôn. Theo đó, đã là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thấu tỏ những nguy hại, ảnh hưởng khôn lường của việc nói năng không đúng lúc, đúng nơi; “nổ”, “chém gió” một cách tùy tiện. Thật là ấu trĩ và sai lầm khi có người lại phân định một cách rành rẽ: Trong sinh hoạt, làm việc tại cơ quan, công sở thì nói và làm theo nghị quyết; còn về nhà hoặc ra xã hội thì phát ngôn theo kiểu… tùy hứng! Do đó, cần có những quy định chặt chẽ, nhất quán trong việc bảo mật thông tin, những ai “chém gió”, “nổ”, “hoạt náo viên”, sử dụng internet, facebook, zalo, blog, email… một cách tùy tiện mà gây tiết lộ thông tin, làm ảnh hưởng tới cơ quan, đơn vị, tác động xấu tới dư luận xã hội, cần phải bị nhắc nhở, phê phán, thậm chí xử lý kỷ luật. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành cần chủ động đối phó với những luồng thông tin xuyên tạc, bịa đặt, xấu độc, kể cả những thông tin được coi là “nhạy cảm”, bằng cách chủ động cung cấp tới người dân những thông tin chính thống, trung thực, chính xác, nhanh nhạy và liên tục. Sự minh bạch, cởi mở, rõ ràng về thông tin chính là luồng gió mát, xua tan bầu không khí hồ nghi, mù mờ, nhiễu loạn của những “tin vịt”, “tin vỉa hè” có nguyên nhân từ việc “nổ, “chém gió” gây ra./.

Lê Thiết Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất