Làm thế nào để các con chăm ngoan quả là bài toán khó đối với mọi gia đình thời nay, nhất là trong bối cảnh trẻ em ngày càng đủ đầy nhưng lại chịu nhiều sự tác động của công nghệ số, của văn hóa ngoại lai và lối sống hiện đại với nhiều mặt trái đáng lo ngại!
Bạn tôi là bố của hai đứa con “có nếp, có tẻ”. Khi hai con còn bé, cậu quý tử là đứa thứ hai chưa vào lớp 1 thì anh luôn tỏ ra hài lòng, hạnh phúc, rất hào hứng kể chuyện về con. Anh còn thường xuyên khen chúng tự tin và thông minh, sử dụng máy vi tính và các thiết bị hiện đại "nhoay nhoáy"; rồi chúng “cãi lý” rất hay..., so với anh lúc ở lứa tuổi này thì các con quá giỏi.
Mười năm đầu từ khi lên chức bố, bạn tôi vui vẻ, phấn khởi bao nhiêu thì hai năm nay anh u sầu, phiền muộn bấy nhiêu. Anh thường than vãn: “Sướng quá hóa… khổ! Mình thấy bây giờ bọn trẻ chẳng biết thương bố mẹ, việc bé tí cũng không chịu làm, chỉ ham chơi; rồi lại còn phung phí, cái gì không thích là vứt bỏ luôn. Cứ nghĩ đến con lại buồn vì khuyên nhủ mãi mà vẫn “nước đổ lá khoai”. Chẳng biết mai này chúng sẽ ra sao, bố mẹ biết dựa vào đâu vì hầu như chúng không quan tâm đến những lo lắng của bố mẹ”.
Tôi không chỉ được nghe anh bạn than phiền về con, mà còn thấy nhiều người khác bày tỏ nỗi lo như vậy. Điều đáng nói ở đây, dù nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm “dạy con từ thuở còn thơ”, nhưng con thì vẫn cứ thờ ơ, vô lo nghĩ, chỉ quan tâm đến những sở thích của riêng mình, như vùi đầu vào máy vi tính, điện thoại thông minh hoặc tụ tập chơi bời, xem phim… Nhìn con thông minh, xinh xắn, mặc đẹp nhưng tâm hồn, tình cảm xem ra chai sạn, nghèo nàn…, các bậc phụ huynh không lo mới lạ!
Tôi và bạn bè đã bàn thảo rất nhiều về những điều kể trên. Ngày xưa, cuộc sống không đầy đủ như bây giờ, bố mẹ chúng tôi phải đầu tắt mặt tối bươn chải để lo cho gia đình. Hình ảnh bố mẹ ăn đói, mặc rách, sớm tối còng lưng gánh gồng mà vẫn không đủ nuôi con ăn học; rồi hình ảnh bố mẹ nhăn trán bàn chuyện phải vay tiền ở đâu để mua sách vở và đóng học cho con, hoặc mua sắn, ngô chống đói khi giáp hạt… đã làm những đứa trẻ chúng tôi cũng sớm phải trăn trở, nghĩ suy. Vì thương bố mẹ nhọc nhằn, vất vả mà chúng tôi luôn có ý thức phải đỡ đần, phấn đấu, siêng năng, chẳng những giúp được việc mẹ cha mà còn hết sức tiết kiệm, biết thức khuya dậy sớm để đi quét lá về đun, cặm cụi mót từ mẩu sắn, mẩu khoai ngoài ruộng…
Đất nước phát triển khiến cuộc sống muôn nhà khấm khá và trẻ con thời nay không còn phải chịu cảnh thiếu ăn, mặc rách, thiếu tiền mua sách vở… Đại đa số các gia đình đều phải nịnh nọt, dỗ dành thì con cháu mới chịu ăn, chịu chơi những thứ mà tuổi thơ chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ tới. Các ông bố, bà mẹ thời nay ngày càng được làm việc nhàn hạ và ăn mặc đẹp; những thứ trẻ em cần đều được đáp ứng… Có lẽ do chưa từng biết khổ là gì nên con em chúng ta sinh ra vô lo nghĩ, chỉ mải ăn chơi? Thời nay, có mấy khi trẻ em thấy bố mẹ mình quá vất vả để mà xót thương, biết nhường cơm sẻ áo? Dù thực tế các bậc phụ huynh đều phải làm việc với cường độ cao nhưng nhìn vào bề ngoài “ăn trắng mặc trơn” và hơn nữa là thường sẵn tiền tiêu nên nhiều con trẻ sẽ chẳng biết mẹ cha mình vất vả. Gia đình nào kiếm tiền quá dễ, nhất là khi để con biết bố mẹ kiếm được nhiều tiền bằng những việc làm phi pháp thì càng có nguy cơ con hư.
Khu nhà tôi ở có một gia đình công nhân rất khó khăn, cả ông bà nội đều bị tai biến, nằm liệt giường. Có lẽ, vì thương bố mẹ vừa phải chăm sóc ông bà, vừa phải làm thêm ca và nhiều việc khác để có tiền thuốc thang, trang trải cuộc sống nên hai đứa con đều rất ngoan. Các cháu vừa học giỏi, vừa chăm làm việc nhà và tối nào cũng cặm cụi vặn ốc vít cùng bố mẹ để có thêm thu nhập. Mỗi lần nghĩ đến gia đình công nhân này, tôi lại nhớ ngay câu thành ngữ “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Rồi sau này, hai cháu bé biết thương ông bà, cha mẹ ấy sẽ gây dựng được cuộc sống tốt đẹp từ gian khó vì các cháu có nghị lực và trách nhiệm với gia đình.
Làm thế nào để các con chăm ngoan quả là bài toán khó đối với mọi gia đình thời nay, nhất là trong bối cảnh trẻ em ngày càng đủ đầy nhưng lại chịu nhiều sự tác động của công nghệ số, của văn hóa ngoại lai và lối sống hiện đại với nhiều mặt trái đáng lo ngại! Để giải bài toán này, chắc chẳng cách nào hơn là các bậc phụ huynh phải thực sự mẫu mực, đồng thời gần gũi, sâu sát, có biện pháp rèn luyện cần thiết và biết giúp con thấu hiểu những lo lắng, vất vả của mẹ cha để từ đó thấy rõ trách nhiệm phải giúp đỡ, sẻ chia… Khi “công cha, nghĩa mẹ” được con trẻ thực sự thấm thía thì gia đình mới không rơi vào tình cảnh “sướng quá hóa... khổ”./.
Huy Quang (QĐND)