Chủ Nhật, 24/11/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 25/10/2015 8:51'(GMT+7)

Nói không với chất cấm trong thực phẩm

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: doisongphapluat.com

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: doisongphapluat.com

 Những người nội chợ chỉ còn biết truyền cho nhau những “bí quyết truyền miệng” để có thể chọn được thực phẩm sạch. Tuy nhiên, những “bí quyết” đó lại bị những người bán hàng, người sản xuất thực phẩm không có lương tâm có những “bí quyết” cao hơn qua mặt. Người tiêu dùng chỉ còn biết “tặc lưỡi” với suy nghĩ cả xã hội cũng ăn và trông chờ lương tâm của người sản xuất, kinh doanh và sự làm việc trách nhiệm, hiệu qủa của lực lượng chức năng.


Tuy nhiên, những ngày vừa qua, dư luận lại một lần nữa bức xúc khi những thông tin về thực phẩm nhiễm bẩn, thịt lợn, thịt gà nhiễm chất cấm được công bố. Tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 63 mẫu rau quả kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà để phân tích các chỉ tiêu vi sinh và hóa chất. Kết quả, 14/63 mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của Việt Nam (chiếm 22,2%), 1/30 mẫu thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 3,3%) và 6/60 mẫu thịt lợn, gà (chiếm 10%) nhiễm Salmonella. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 17 mẫu thịt lợn và 18 mẫu thịt gà, có 7/35 mẫu thịt lợn, gà (chiếm 20%) nhiễm Salmonella.

Cùng với đó là hàng loạt thông tin về việc bắt giữ những lô hàng thịt hôi, thối, bốc mùi, tuồn vào các thành phố lớn tiêu thụ.

Sự bức xúc này là chính đáng vì quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng, sức khỏe của cộng đồng và xã hội đang bị ảnh hưởng tiêu cực do hằng ngày bị đưa các chất độc hại vào cơ thể. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất lương thực, thực phẩm và việc vận chuyển, kinh doanh những sản phẩm này là hành vi vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Tuy nhiên, tính chất của các hành vi này còn nghiêm trọng hơn khi nó còn ảnh xấu trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Đến thời điểm này cùng với những bức xúc của xã hội thì thực trạng trên không còn là những hồi chuông cảnh báo hay tình trạng đáng báo động nữa mà chuông đã rung và đã trong tình trạng báo động rồi. Chúng ta cần có những biện pháp tổng thể, quyết liệt, căn cơ để xử lý và ngăn chặn tình trạng này, không thể để nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm là “biết rồi, nói mãi”, người dân luôn bất an khi mua, sử dụng.

Việc này không chỉ giúp cho người tiêu dùng mà cũng chính là giúp cho người sản xuất kinh doanh. Trong khi hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng loạt các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước được ký kết thì việc làm ăn chỉ nhìn cái lợi trước mắt, bất chấp hậu quả sẽ không còn chỗ đứng, không những vậy còn ảnh hưởng xấu đến cả nền sản xuất nước nhà. Chúng ta đang nỗ lực để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì mọi mặt hàng made in Việt Nam đều phải đạt chất lượng. Dường như chúng ta vẫn chú trọng vào những cái gì đó to tát, sản xuất có lượng trí tuệ cao, hàng hóa có nhãn mác là hàng hóa cần quan tâm mà chưa có sự quan tâm đúng mức cho lương thực, thực phẩm hằng ngày-  môt loại hàng hóa rất đỗi bình thường nhưng lại là thế mạnh, tiềm lực lớn nếu biết khai thác, tận dụng hiệu quả của đất nước.

Rồi đây những cơ sở sản xuất vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý khi các ban, ngành chức năng tiến hành truy xuất nguồn gốc. Việc xử lý nghiêm là cần thiết để răn đe, nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được những phong trào mạnh chống lại việc sử dụng chất cấm, độc hại trong chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm, từ đó nhân rộng ra cả nước để mọi người dân cũng như người sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm kiên quyết nói không với chất cấm, chất độc hại, để những người thiếu lương tâm muốn gian lận cũng không có điều kiện để làm. Chỉ đến khi đó vệ sinh an toàn thực phẩm mới không còn là nỗi lo, hàng hóa trong nước mới thực sự lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Theo QĐND


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất