Thứ Tư, 4/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 24/7/2015 10:10'(GMT+7)

Đạo lý và chân lý

Trước hết là tấm lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Ngày 27-7-1947, Bác Hồ gửi thư tới Ban Thường trực Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc và lời của Người đã trở thành lời của ĐẠO LÝ: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe đọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu.

Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy”.

Cũng ngày này, năm 1948, Người có thư hỏi thăm sức khỏe thương binh và gia đình liệt sĩ. Không còn là lời thăm hỏi thông thường mà trở thành TÌNH THƯƠNG: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.   

Có những lời lẽ cảm động và rất mực chân tình như vậy bởi Người đã thấu hiểu và thấu cảm những đau đớn về thể xác và tinh thần của thương binh, liệt sĩ và gia đình họ.

Bác Hồ còn là hiện thân cho đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tháng 1-1946, được một nữ sĩ tặng cam, Người cảm ơn bằng bài thơ: Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai? Bài thơ rất ý vị nhờ lối “tập Kiều”. Trong màn đoàn viên, Kim Trọng nghe Thúy Kiều đánh đàn: Chàng rằng: - Phổ ấy tay nào/ Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?/ Tẻ vui bởi tại lòng này/ Hay là khổ tận đến ngày cam lai?. Tiếng đàn Kiều khác xưa vì cuộc đời Kiều khác trước, lời nhận xét của Kim Trọng về tiếng đàn được nâng lên thành một nhận định phổ quát về cuộc đời, đầy hứa hẹn, ấm áp, ân tình. Bác Hồ mượn ngay chính lời chàng Kim để “tập” trong bài thơ chan chứa tình đời, trĩu nặng nghĩa ân. Bài thơ được làm vào thời điểm vận mệnh dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc, thế mà vẫn mang một không khí lạc quan, đất nước còn “khổ tận” nhưng “đến ngày cam lai” là tất yếu. Niềm tin vào tình người, tình đời thật thấm thía mà tinh tế, ai cũng biết câu Kiều ấy là ở màn đoàn viên sum họp, Bác chỉ thay hai chữ hay là của Kim Trọng bằng phải chăng còn nhiều dự cảm. Đúng thế, vì khi ấy đất nước ta đang ngổn ngang trăm mối, mải lo đối phó với thù trong giặc ngoài!

Bác Hồ là hiện thân của văn hóa cảm ơn, điều mà ở ngày hôm nay càng nên học tập nhiều hơn. Một dịp Người gửi thư cho một cụ già tuổi cao mà vẫn tham gia việc cứu nước: “Thưa cụ! Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà… Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc” (Hồ Chí Minh toàn tập, 1997, Tập 5, tr 427). Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Phùng Lục ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông (cũ). Chủ tịch nước nhưng lại xưng “cháu”! Vì Bác Hồ quan niệm người cán bộ đều là đày tớ của dân; phải biết kính trên, nhường dưới.

Lời Bác Hồ là lời của tình thương và lẽ phải, lời của đạo lý và cũng là chân lý!

Cho nên học tập Bác Hồ phải là việc thường xuyên, việc của hằng ngày, thường ngày. Không chỉ có một ngày 27-7 mà phải biến tinh thần của ngày đó vào nếp sống, vào suy nghĩ của tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ!./.

Thanh Nguyên (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất