Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 28/9/2014 14:44'(GMT+7)

Bổ sung nội dung giáo dục về gia đình cho các cấp học

Việc trang bị kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho giới trẻ, các chủ nhân gia đình tương lai, được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc trang bị kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cho giới trẻ, các chủ nhân gia đình tương lai, được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ cũng sẽ biên soạn các tài liệu truyền thông giáo dục về chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình…

Đó là một số các hoạt động ngành giáo dục và đào tạo dự kiến thực hiện theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.

Kế hoạch này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sáng nay, ngày 27/9, tại Lễ phát động Ngày hội học sinh, sinh viên nói không với bạo lực gia đình, do Bộ này phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.

Theo đó, ngành giáo dục sẽ tổ chức đánh giá thực trạng, nhu cầu giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng và phát triển gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các môn học chính khóa, các hoạt dộng ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục. 

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng và thực hiện tuyên truyền về vấn đề này cho người học, phụ huynh cũng như cán bộ quản lý giáo dục các cấp. 

Kinh phí thực hiện đề án được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác. 

Đề án sẽ được triển khai bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2020.

Đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2013. 

Đề án nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, 95% học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ giáo dục và phụ huynh được trang bị, phổ biến kiến thức, kỹ năng giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình./.

(Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất