Nếu nhiệt độ trên 35 độ C kéo dài liên tục 4 ngày thì tôm sẽ chết hay nếu mực nước do lũ duy trì ở mức 50cm trong 7 ngày thì hệ thống đường bộ tại một số địa phương nhất định có hư hỏng. Đây là một cách phân tích của Bộ Tài nguyên - Môi trường nhằm hướng dẫn các địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để xác định các giải pháp thích ứng.
7 bước đánh giá tác động BĐKH
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến nước ta. Điều đáng lo ngại là chiến lược ứng phó, giảm thiểu tác hại của BĐKH ở các địa phương vẫn đang gặp nhiều lúng túng. Để giải quyết tình trạng này, Viện Khoa học khí tượng- thủy văn và môi trường, Bộ Tài nguyên-Môi trường vừa ban hành tài liệu hướng dẫn “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác định các giải pháp thích ứng” để giúp các địa phương trong việc lập kế hoạch ứng phó với BĐKH. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà, việc ra đời tài liệu này nhằm hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật, phương pháp để đánh giá tác động của BĐKH và đề xuất các giải pháp ứng phó, trong đó, việc đánh giá tác động biến đổi khí hậu được xem là khâu quan trọng nhất để lập kế hoạch ứng phó.
Theo đó, tài liệu đã chỉ ra 7 bước trong quy trình đánh giá tác động BĐKH ở một địa phương. Đó là: Xác định kịch bản BĐKH và nước biển dâng của địa phương trên cơ sở kịch bản quốc gia; Xác định các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội; Xác định các ngành, đối tượng ưu tiên và phạm vi đánh giá; Lựa chọn và phát triển các công cụ đánh giá tác động của BĐKH; Đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng theo kịch bản; Đánh giá rủi ro do các tác động của BĐKH, nước biển dâng; Đánh giá khả năng thích ứng và khả năng dễ bị tổn thương.
Để có những giải pháp thích ứng phù hợp với điều kiện từng tỉnh, thành, các địa phương cần lưu ý phân tích độ nhạy và ngưỡng chịu đựng với BĐKH của các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội. Độ nhạy là mức độ dễ tổn thương khi các yếu tố BĐKH (như nhiệt độ, lượng mưa, mực nước dâng, tần suất bão, lũ...) có những thay đổi cực đại. Xác định được độ nhạy, các địa phương có thể chuẩn bị một loạt giải pháp đặc thù để ứng phó. Phân tích ngưỡng sẽ giúp xác định giới hạn chịu đựng BĐKH của các đối tượng. Ví dụ, nếu nhiệt độ trên 35 độ C kéo dài liên tục 4 ngày thì tôm sẽ chết hay nếu mực nước do lũ duy trì ở mức 50cm trong 7 ngày thì hệ thống đường bộ tại một số vị trí nhất định có hư hỏng. Xác định ngưỡng sẽ góp phần quan trọng trong thay đổi thiết kế công trình, các tiêu chuẩn chăn nuôi...
Về mặt tổ chức thực hiện, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho rằng, đánh giá tác động của BĐKH nên được thực hiện bởi một Tổ công tác biến đổi khí của địa phương. Tổ công tác này sẽ tập hợp các chuyên viên kỹ thuật của các cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Du lịch, trung tâm nghiên cứu...và sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
Muốn hiểu tài liệu, người sử dụng phải được tập huấn
Ban soạn thảo tài liệu Hướng dẫn đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xác định các giải pháp thích ứng cho rằng, do giới hạn về thời gian, nguồn lực, đồng thời đây lại là một tài liệu áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành phố nên phần hướng dẫn không thể diễn giải chi tiết từng phương pháp cụ thể mà chỉ mang tính giới thiệu những phương pháp cơ bản nhất. Hơn nữa, đây chỉ là một tài liệu mang tính hướng dẫn kỹ thuật nên để áp dụng vào thực tế thì người sử dụng, đặc biệt là Tổ công tác biến đổi khí hậu cần phải được tập huấn một cách bài bản.
Được biết, Viện Khoa học khí tượng-thủy văn và môi trường đã tổ chức khóa huấn luyện Đánh giá tác động của BĐKH và các giải pháp thích ứng cho 19 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, ứng phó với BĐKH vẫn đang là một vấn đề khó và khá mới mẻ. Các địa phương vẫn thiếu một kịch bản chi tiết về BĐKH. Bởi vậy, có những địa phương đã chủ động lên kế hoạch hành động hơn là việc ngồi chờ một kịch bản hướng dẫn chi tiết. Khánh Hòa là một ví dụ.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định dành 11 tỷ đồng cho Kế hoạch hành động giai đoạn 2011 - 2015 của địa phương về ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là các hiện tượng khí hậu cực đoan và nước biển dâng, nhằm đảm bảo các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Ngay trong năm nay, tỉnh Khánh Hòa đã dành 7 tỷ đồng để lần lượt tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với nguồn tài nguyên nước, tác động đến cơ sở hạ tầng của các ngành, các địa phương ven biển trong tỉnh; ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học vùng biển ven bờ, qua đó đề ra các biện pháp ứng phó tương ứng...Từ năm 2012, Khánh Hòa sẽ hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu phục vụ việc tra cứu, sử dụng của các ngành, các cấp.
Lê Na/Đại đoànkết