Hàng chục năm đất bị “móc ruột” thì cũng chừng ấy thời gian các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng “tăng cường quản lý” song có thể nói chưa có lúc nào chính quyền của tỉnh Lâm Đồng lại quyết liệt với nạn khai thác thiếc như những ngày qua. Lòng đất Lang Biang đã bình yên trở lại, song để xóa được nạn khai thác thiếc trái phép này thì với những gì vừa làm là chưa đủ.
Tổng truy quét “những công trường thiếc lậu”
Từ nhiều năm qua, giữa những cánh rừng đặc dụng, đầu nguồn... trên cao nguyên Lang Biang (bao gồm huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt và một số vùng phụ cận) là những công trường thiếc lậu.
Nếu như vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nạn khai thác thiếc lậu tập trung chủ yếu ở Đà Lạt thì những năm gần đây, Lạc Dương lại là vùng đất bị “móc ruột” nhiều nhất với hàng trăm người cùng các phương tiện từ thô sơ đến hiện đại thi nhau đào bới, sàn đãi... Việc khai thác diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” thế nhưng địa phương – đặc biệt là chính quyền cơ sở (cấp biết rõ nhất) thì lại luôn kêu khó trong việc quản lý.
Những tháng gần đây, khi tình trạng khai thác đã quá nóng, dư luận phản ứng gay gắt, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt phải dẹp bỏ nạn khai thác thiếc trái phép thì một cuộc tổng truy quét mới được thực hiện. Các đợt truy quét rầm rộ trên địa bàn huyện Lạc Dương (đỉnh đầu của cao nguyên Lang Biang) đã cho thấy việc khai thác trái phép được tổ chức với quy mô lớn.
Đơn cử như tại các tiểu khu: 130, 140, 144... thuộc xã Đạ Sar, các đối tượng khai thác thiếc dựng nhiều nhà tạm (có cả nhà gỗ, lợp tôn) ngay tại bãi khai thác, đào sâu vào lòng đất hàng chục hầm thiếc lớn, đưa nhiều loại máy móc như máy nổ phát điện, dàn rung đãi thiếc, môtơ bơm bước... Ở xã Đạ Nhim, các đối tượng khai thác còn dùng cả máy tời đất, máy khoan đá, máy xay đất đá, nhiều dàn rung cỡ lớn... Mặc dù biết địa phương đang tổng truy quét khai thác thiếc trái phép và đã truy quét trên địa bàn xã Đạ Sar bên cạnh, thế nhưng khi đoàn kiểm tra tập kích vào tiểu khu 119 ở xã Đạ Nhim – một địa điểm hoạt động khai thác thiếc trái phép với quy mô lớn và tập trung thì hoạt động khai thác vẫn ngang nhiên diễn ra.
UBND huyện Lạc Dương cho biết: chỉ qua 2 đợt truy quét, các lực lượng chức năng đã thu giữ, tiêu hủy gần 80 máy móc chuyên dụng các loại phục vụ khai thác thiếc, 50 căn nhà, 55 hầm sâu trong lòng đất cùng hàng nghìn mét đây điện, ống nước, bóng điện, cuốc xẻng, xe rùa, xe mô tô... Theo kế hoạch, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục truy kích các điểm khai thác thiếc khác với mục tiêu xóa bỏ toàn bộ những “công trường thiếc lậu” hiện có.
Những kết quả bước đầu của cuộc tổng truy quét đã làm tê liệt hoạt động khai thác thiếc trái phép, tạm lập lại được trật tự xã hội, ngăn chặn được mức thiệt hại lớn về khoáng sản cũng như môi trường (rừng, nguồn nước...). Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hải – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương vẫn băn khoăn: “Cái đáng quan tâm nhất là làm sao thực sự xóa được nạn này chứ không chỉ là truy quét, dẹp bỏ được những điểm khai thác trái phép hiện có”.
Cần kiên quyết với những giải pháp từ gốc
Trăn trở của ông Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cũng là điều mà người dân quan tâm hiện nay bởi lẽ việc tái diễn nạn đào đãi thiếc trái phép sau những lần truy quét đã xảy ra thường xuyên trong hàng chục năm qua. Nguyên nhân chủ yếu được nhận diện đó chính là việc truy quét thực sự chỉ là giải pháp “phần ngọn” mà giải pháp “gốc” lại chính là ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ chế quản lý rừng – đất rừng và đời sống của người dân,
Việc đào đãi thiếc trái phép diễn ra liên tục nhiều năm liền với nhiều nơi, nhiều mức độ khác nhau. Điều này gần như người dân ở những vùng bị đào đãi thiếc đều thấy, đều biết thế nhưng hầu hết chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở địa phương, các đơn vị chủ lâm phần có đất bị khai thác... lại thường trả lời là “ nghe nói có... ” khi bị báo chí, người dân hỏi đến.
Người ta không dám khẳng định có hay không sự “làm ngơ” của phần lớn của những đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trực tiếp trong việc này song có thể nói ý thức trách nhiệm của những tập thể, cá nhân này không đủ để giữ cho đất được bình yên. Và thực tế cũng chưa có tập thể hay cá nhân nào trong vai trò quản lý nhà nước về khoáng sản bị kỷ luật hay bị pháp luật “sờ gáy” do để tài nguyên bị khai thác trái phép, môi trường sinh thái bị hủy hoại... bởi nạn đào đãi thiếc kéo dài bao năm qua. Làm rõ trách nhiệm, thưởng phạt nghiêm minh... chắc chắn các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm sẽ biết nhanh, biết đủ về những nguy cơ cũng như những trường hợp vi phạm. Và như thế sẽ không còn xảy ra tình trạng xuất hiện những công trường thiếc lậu quy mô lớn, công khai như thời gian qua.
Giải pháp thứ hai cần thực thi tốt đó là cơ chế quản lý rừng – đất rừng. Thực tế cho thấy hầu hết các công trường thiếc lậu đều nằm trên đất lâm nghiệp đã có chủ là các ban quản lý rừng, các doanh nghiệp được cho thuê đất rừng để kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế rừng,.. Thế nhưng cơ chế quản lý, phối hợp... còn nhiều điểm chồng chéo, bất khả thi nên dẫn đến thực trạng tuy có rất nhiều cơ quan “có quyền” song việc thực thi quyền lực ấy lại không khả thi.
Vì vậy việc sửa đổi các cơ chế phối hợp giữa các các ngành, các cơ quan chức năng là bức thiết. Có thế mới chấm dứt tình trạng kiểm lâm chỉ xử lý việc xâm hại lâm sản mà không được xử lý những đối tượng xâm hại đất rừng, ngành tài nguyên môi trường chỉ được xử lý phần đất bị đào phá mà không thể thực thi việc “cưỡng chế” đối tượng vi phạm, doanh nghiệp thuê rừng – đất rừng thực sự là “chủ đất rừng được thuê” có quyền ngăn chặn, xử lý những đối tượng xâm hại đất rừng, khoáng sản chứ không phải “năn nỉ” kẻ vi phạm...
Một khi cơ chế được hoàn thiện, sự phối hợp được thực thi đồng bộ và chặt chẽ thì tình trạng “cha chung không ai khóc” cũng không còn. Lúc đó tình trạng đùn đẩy trách nhiệm sẽ mất và theo đó những công trường thiếc lậu cũng không còn đất sống.
Ai trực tiếp phá nát đất đai để lấy thiếc? Phần lớn là những người dân lao động nghèo đi làm thuê cho các “cai thiếc”. Nhiều người dân biết làm thiếc rất khổ, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nhưng họ vẫn làm vì cuộc mưu sinh.
Vì vậy cái gốc hơn cả đó là cần nâng cao mức sống của người dân – nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở những vùng có nhiều điểm đào đãi thiếc lậu. Thực tế tại một số nơi cho thấy nơi nào người dân có cuộc sống ổn định, không thiếu thốn, có vườn để sản xuất nông nghiệp... thì ở đó người dân không những không đi “làm phu” ở các bãi khoáng sản trái phép mà ngược lại còn tích cực ngăn chặn các hành vi khai thác trái phép này.
Thực thi tốt các giải pháp “gốc” này cùng với những biện pháp khác như đẩy mạnh tuyên truyền, điều tra và xử lý nghiêm khắc các cai thiếc, đầu nậu thiếc... với ý thức “công việc thường xuyên” chứ không mang tính phong trào, chiến dịch thì chắc chắn nạn khai thác thiếc trái phép sẽ chấm dứt, tài nguyên môi trường sẽ không còn bị hủy hoại, chảy máu trầm trọng như những năm qua.
Theo Phan Văn Đông (Báo Tin Tức)