Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 9/6/2010 21:56'(GMT+7)

Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2011: Đề cao trách nhiệm của Ban soạn thảo Luật

 

Trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội, các đại biểu quan tâm nhiều nhất đến khâu soạn thảo các dự thảo Luật. Đa số đại biểu cho rằng, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng những dự thảo Luật trình Quốc hội vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nhiều dự thảo có chất lượng chưa cao.

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ có tình trạng khâu soạn thảo các dự án Luật còn sơ sài là do đội ngũ làm Luật chuyên trách còn thiếu; chưa tham khảo kỹ hoặc chưa quan tâm đúng mức tới vai trò cố vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia khi soạn thảo dự án Luật. Tính bình quân, mỗi kỳ họp của Quốc hội khoá XII mới chỉ ban hành được 8 đạo luật.

Về vấn đề này, đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến: Xây dựng Pháp luật là quá trình khó khăn, do trình độ của cán bộ còn thiếu và yếu; vẫn còn diễn ra tình trạng nể nang, bị động của ban soạn thảo. Vì vậy, cần đề cao trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan, nhất là các ban soạn thảo để đảm bảo chất lượng của các dự thảo…

Tuy nhiên, đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình) lại cho rằng: Ban soạn thảo không có trách nhiệm xây dựng luật mà trách nhiệm chính là của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải nâng cao trách nhiệm hơn đối với việc đóng góp xây dựng luật và Ban soạn thảo nên gồm một đội ngũ soạn thảo pháp luật chuyên nghiệp và cần tăng cường thêm các đại biểu chuyên trách…

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, Quốc hội cần có trách nhiệm hơn nữa khi thông qua xây dựng Luật Pháp lệnh.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Ninh Thuận) nêu ý kiến: Cần tính toán kỹ chương trình nghị quyết về sửa đổi Hiến pháp. Nhiều đạo luật mâu thuẫn với đạo luật hiện hành, làm cho hiệu lực pháp luật thấp, các cơ quan không biết thực hiện như thế nào. Vì vậy, mỗi khi ban hành một điều luật nào, mỗi một đơn vị, cơ quan phải ghi rõ trách nhiệm của từng cán bộ, lãnh đạo cho phê duyệt từng điều luật.

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cho rằng, hiện nay vấn đề xây dựng pháp luật của Quốc hội chưa thực sự đầy đủ, giữa việc ban hành Luật và văn bản hướng dẫn vẫn còn những hạn chế. Văn bản hướng dẫn Luật thường ban hành quá chậm khiến việc thực thi pháp luật ở cơ sở trở nên khó khăn và nhiều hệ luỵ khác.

Đại biểu Trần Thế Vượng kiến nghị, việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật cần được tiến hành nhanh hoặc trùng với thời gian Luật bắt đầu có hiệu lực là tốt nhất./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất