Thứ Ba, 24/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 1/1/2009 10:2'(GMT+7)

Bóng đá Việt Nam 2008: Có cả Vua, cả Hậu

Thành tích vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐTQG nam đã mở ra một cột mốc mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam

Thành tích vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐTQG nam đã mở ra một cột mốc mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam

Có thể coi là Hoàng hậu

Tuy thất bại trong trận chung kết trước Australia, một quốc gia mới gia nhập liên đoàn bóng đá ĐNA, nhưng đã đánh bại cả Thái Lan và Myanmar-2 cường quốc bóng đá nữ khu vực, cũng có thể coi bóng đá nữ Việt Nam đã lấy lại được ngôi vị số 1 Đông Nam Á sau khi đánh mất chức vô địch của 2 năm trước (2006 và 2007).

Trước Australia, một đội bóng từng thuộc về liên đoàn Châu đại dương đã đạt được một đẳng cấp nhất định, việc các cô gái Việt Nam thất thủ cũng là điều dễ hiểu.

Dĩ nhiên, trong tương lai, chúng ta cần đặt ra những mục tiêu cao hơn nữa vì không thể mãi mãi chấp nhận thất bại trước Australia như một lẽ đương nhiên. Nếu tuyển nữ của chúng ta giành được tấm HCV ở SEA Games 2009 thì đó sẽ là sự khẳng định, rằng ngôi Hậu của khu vực đã hoàn toàn thuộc về Việt Nam.

Và thực sự là Vua

Thái Lan hiện tại vẫn thống trị ở các kỳ SEA Games, nhưng đó lại là một giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ (từ 23 tuổi trở xuống). Có thể, tầm quan trọng của nó đủ sức tác động tới thành bại ở một kỳ đại hội thể thao của khu vực, nhưng chỉ có chức vô địch ở giải đấu dành cho đội tuyển quốc gia mới đủ để phân chia ngôi thứ.

Chưa hết, việc chúng ta đã đánh bại cả 2 đội bóng đã chia nhau 6 chiếc cúp trong 6 lần tổ chức trước đây, để giành được chức vô địch và vẽ lại bản đồ của bóng đá khu vực thì chẳng có gì phải tranh cãi về vị thế số 1 Đông Nam Á mà thày trò ông Tô đã mang về. Cả Đông Nam Á đã thừa nhận chiến thắng của ĐTVN và giới truyền thông Thái Lan coi việc Peter Reid nói đội bóng của ông ta chỉ thua trọng tài (trong trận lượt đi) là điều không thuyết phục được ai.

Nói tới thành công của bóng đá nam cũng cần phải nói tới chiếc cúp Merdeka của U22 Việt Nam. Đó là một giải giao hữu nhưng cũng là một chiến thắng có hơi hướm lịch sử khi nó là chiến công đầu tiên của BĐVN ở nước ngoài.

Nhưng điểm yếu của bóng đá nước nhà cả năm 2008, là tính chuyên nghiệp chưa cao của V-League và khả năng điều hành đôi khi còn bất cập, cũng như năng lực cạnh tranh của các CLB ở AFC Champions League còn hạn chế.

Giá trị của chiến thắng
 
3 chiến thắng tiêu biểu, 3 chiến thắng thuyết phục, nhưng điều quan trọng nhất cho thì tương lai là duy trì và phát huy những chiến thắng đó. Vả lại, đẳng cấp và trình độ cũng không phải là thứ bất biến. Nhưng đẳng cấp là thứ có thể tạo dựng được và duy trì được một cách bền vững. Nếu như hôm nay chúng ta vẫn thừa nhận việc các cầu thủ Thái Lan đã chơi đầy bản lĩnh ngay tại Mỹ Đình và chỉ chịu thất bại ở phút 90+4, thì chúng ta cũng có thể vượt qua bản lĩnh và có được thứ đẳng cấp cao hơn thế thông qua việc đánh giá một cách đúng đắn chiến quả này.

Bóng đá Việt Nam có thói quen mổ xẻ thất bại, nhưng lại ít khi “mổ xẻ” chiến thắng. Mà đây lại là điều cực kỳ cần thiết. Biết được lý do chiến thắng thì chúng ta sẽ biết được cách để chiến thắng thêm một và nhiều lần nữa, để BĐVN sẽ có lại có cả Vua và có cả Hoàng hậu như năm 2008.
(Theo Tin tuc Online)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất