Con số này đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại buổi họp báo diễn ra chiều qua, 30/12.
Năm 2008 là năm thứ hai ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ chính trị sau khi tổ chức lại. Trong một thời gian ngắn, ngành từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng ổn định tổ chức đi vào hoạt động có hiệu quả.
Một trong nhưng công tác nổi bật của Bộ Thông tin và Truyền thông đó là đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phát triển đa dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội.
Mật độ điện thoại đã đạt 92,5 máy/100 dân
Mặc dù năm 2008 đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng cao nhưng mạng lưới bưu chính, viễn thông vẫn tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực, dung lượng và mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tới thời điểm này, mạng bưu chính đã có 18.215 điểm phục vụ. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã phát triển thêm 19 điểm Bưu điện Văn hoá xã trong năm 2008, nâng tổng số điểm lên đến 8.025. Tỷ lệ số xã có báo Nhân dân trong ngày là 92%, tăng 2% so với năm 2007.
Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt hàng với bốn doanh nghiệp : VNPT, Viettel, EVN Telecom và Vishipel với tổng giá trị 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển và cung cấp dịch vụ viễn thông công ích với sản lượng viễn thông được đặt hàng : phát triển 600.000 máy điện thoại và 23.810 thuê bao Internet cho các hộ gia đình, duy trì 1.743.259 thuê bao điện thoại cố định và 26.974 thuê bao Internet. Phát triển mới 574 điểm điện thoại công cộng và 624 điểm truy cập Internet công cộng ; duy trì 4.361 điểm gọi điện thoại công cộng và 590 điểm truy nhập Internet công cộng. Phát triển mới 1.000 máy thu phát sóng vô tuyến diện HF - công nghệ thoại sử dụng cho tàu cá, duy trì 16 đài thông tin duyên hải phục vụ thông báo lũ, bão, cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn.
2008 cũng là năm viễn thông và Interent tiếp tục tăng trưởng mạnh, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại cũng tăng mạnh. Tính đến hết tháng 11/2008, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng có 79,1 triệu máy trong đó thuê bao di động chiếm tới 83,5%. Phát triển mới trên 13.700 trạm BTS, mật độ điện thoại đạt 92,5 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 20,6 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 24,20%. Tổng số thuê bao Internet băng rộng của Việt Nam đã đạt 2 triệu thuê bao.
Năm 2008, tổng doanh thu bưu chính, viễn thông toàn ngành đạt trên 93.000 tỷ đồng, tăng 39,1% so với năm 2007, nộp ngân sách trên 11.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2007.
Doanh thu ngành CNTT đạt 4,5 tỷ USD
Mặc dù chịu khá nhiều ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế, song lĩnh vực công nghiệp CNTT năm 2008 cũng đã có nhiều chuyển biến và phát triển với năng suất, hiệu quả cao.
Năm 2008 tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 4,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 20%, trong đó công nghiệp điện tử, thiết bị viễn thông đạt khoảng 2,8 tỷ USD trong đó có 2,4 tỷ USD xuất khẩu và 400 triệu USD nội địa), tăng trưởng 16%. Công nghiệp phần cứng máy tính đạt khoảng 700 triệu USD, tăng 16%, công nghiệp phần mềm đạt khoảng 670 triệu USD (tăng 35%), công nghiệp nội dung số đạt khoảng 270 triệu USD, tăng 50%.
2009 sẽ là năm tập trung đưa Internet về nông thôn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết đây là một trong 7 nhiệm vụ sẽ được Bộ chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong năm 2009.
Cùng với nhiệm vụ tập trung đưa Internet về nông thôn, 6 nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng khác đó là: Mở chuyên mục hỏi đáp hàng ngày trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông ; Ra đời trang thông tin đối ngoại bằng tiếng Anh ; Mở chương trình hỏi đáp trực tuyến trên đài truyền hình kỹ thuật số VTC; Phát động cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc trong thời kỳ kháng chiến cứu nước ; trong năm 2009, Bộ sẽ giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và hai thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xây dựng các đường phố, phường xã không dây ; Chọn và đào tạo nguồn cán bộ dưới 35 tuổi có triển vọng cho ngành.
(Theo VnMedia)