Chủ Nhật, 22/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 21/11/2009 8:0'(GMT+7)

Bóng đá Việt Nam bắt đầu lo cho tương lai

Danh Ngọc (ảnh) cùng Nhật Nam, Văn Duyệt có trụ lâu với Nam Định?

Danh Ngọc (ảnh) cùng Nhật Nam, Văn Duyệt có trụ lâu với Nam Định?

Như vậy, sau Bình Dương và Thể Công (giờ là Thanh Hoá), đã có thêm một CLB nữa thi đấu tại V-League có đại diện ở hạng dưới để giải bài toán đào tạo lực lượng kế cận.

Cách đây gần chục năm, VFF đã đưa ra phương án tổ chức giải thi đấu dành cho đội hình hai song song với V-League để tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ dự bị và cầu thủ trẻ. Song, chỉ sau một mùa giải thí nghiệm, phương án này phải dẹp bỏ.

Ý tưởng của VFF thì rất tốt, nhưng khi đó, bóng đá Việt Nam còn ở giai đoạn chập chững lên chuyên và chưa có những bản hợp đồng chuyển nhượng tiền tỷ như hiện nay, nên hầu hết các CLB đều ứng xử với giải đội hình hai một cách qua loa, chiếu lệ.

Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã thay đổi rất nhiều, khi một đội bóng mất hàng chục năm với bao công sức tiền của để đào tạo ra một thế hệ cầu thủ đá được, nhưng chỉ cần mãn hạn hợp đồng là số này sẽ dứt áo về với phương trời mới mà chẳng cần bỏ ra lấy một xu đền bù.

Nam Định thấm thía nỗi đau này hơn ai hết, bởi hiện tại, cùng lúc họ đã mất nguyên già nửa đội hình chính ở mùa bóng năm ngoái và không ai dám chắc kịch bản này sẽ không lặp lại với lứa kế cận như Danh Ngọc, Nhật Nam hay Văn Duyệt…

Vì thế, việc đào tạo lực lượng kế thừa với Nam Định nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã trở nên cấp thiết, bởi không phải đội bóng nào cũng có thể tung ra hàng chục tỷ đồng trước mỗi mùa giải để tăng cường lực lượng như XM.HP hay T&T Hà Nội.

Ngay cả nức tiếng đại gia như Bình Dương còn tính đường chuẩn bị cho tương lai xa với đội TDC Bình Dương (sẽ thi đấu ở giải hạng Nhất mùa bóng 2010), thì việc những CLB thuộc diện “nhà nghèo” như Nam Định phải căn cơ cũng là chuyện dễ hiểu.

Chỉ cần nhìn vào danh sách các CLB tham dự giải hạng Ba mùa bóng 2009 cũng đủ thấy sự quan tâm của các đội bóng V-League dành cho lứa kế cận của mình như thế nào.

Bảng A giải hạng Ba 2009 có sự tham dự của Nam Định, HA.GL và Thanh Hoá, bảng B có SHB.ĐN và QK4, bảng C có Khánh Hoà, Bình Dương. Nghĩa là, đúng một nửa V-League đã có đại diện ở giải hạng Ba năm nay.

Theo khẳng định của lãnh đạo CLB Nam Định, sau khi Megastar E&C Nam Định lên chơi ở giải hạng Nhì, họ sẽ tiếp tục đầu tư để coi như “sân sau” của đội bóng đang thi đấu ở V-League chứ không chuyển giao cho bất kỳ đối tác nào.

Cụ thể, Nam Định sẽ gửi lứa U17 của mình cho Megastar E&C Nam Định để rèn giũa, thử lửa với mục tiêu trong hai hoặc ba năm tới sẽ đưa được lên đội một khoảng trên dưới 10 cầu thủ có chất lượng.

Thành công của bóng đá Việt Nam ở sân chơi châu lục (cả đội tuyển U16 lẫn đội tuyển U19 đều giành vé dự Vòng chung kết châu Á) vừa qua cho thấy, cầu thủ trẻ Việt Nam có nền tảng không thua kém ai, chỉ cần được đào tạo kỹ lưỡng và trao cho cơ hội cọ xát đầy đủ sẽ trưởng thành thực sự về mặt nghề nghiệp.

Thực ra, việc một đội bóng thi đấu ở hạng cao nhất có hàng loạt phiên bản ở hạng thấp hơn, đã được thực hiện ở các nền bóng đá tiên tiến từ bao lâu nay và bản thân mô hình này đã chứng minh được hiệu quả rất cao của mình.

Chẳng hạn, rất nhiều siêu sao hiện nay của Barcelona như Xavi, Andres Iniesta hay Lionel Messi đều trưởng thành từ Barcelona B, CLB thi đấu ở hạng dưới của La Liga.

Bởi thế, chuyện bóng đá Việt Nam dần dần chuyển sang xu hướng này cũng là điều dễ hiểu, vì nếu muốn thực sự đi lên chuyên nghiệp thì chúng ta sẽ phải học hỏi theo mô hình của những nền bóng đá đi trước chúng ta hàng trăm năm.

Huy Anh - TienPhongOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất