Trước hết, xin chúc mừng BS nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, hỏi thế này thật không nên, nhưng thưa ông, với tư cách một đại biểu Quốc hội, điều ông bức xúc về ngành y nhất bây giờ là gì?
Điều bức xúc của tôi hiện nay là tình trạng bệnh nhân phải nằm 2 người một giường có khi 3 người một giường nhất là các bệnh viện có chất lượng điều trị cao. Tôi đã phát biểu trước Quốc hội và Uỷ ban các vấn đề xã hội, cần di chuyển các bệnh viện có uy tín ra vùng ngoại ô thành phố và làm đường cao tốc từ thành phố ra bệnh viện. Tại đó sẽ xây dựng một khu bệnh viện hoàn chỉnh và đầy đủ cũng như mọi tiện nghi phục vụ cho người bệnh và gia đình người bệnh. Không thể để tình trạng bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nằm lăn lóc, vật vạ trong hành lang, cầu thang, ngoài sân chờ của bệnh viện như hiện nay của viện K, Việt Đức, Bạch Mai... Cũng cần hiểu rằng Bộ Y tế đã tăng cường bác sỹ về tuyến dưới để giải toả cho tuyến trên, nhưng tâm tư của người bệnh “Có bệnh vái tứ phương”, và phương trời theo họ hiểu chữa khỏi bệnh là về bệnh viện Trung ương. Thủ đô Hà Nội đã mở rộng đâu có cần phải chen chúc trong nội đô cổ kính. Các giám đốc bệnh viện, các nhà lãnh đạo y tế hãy dũng cảm bước ra ngoại đô để tạo cho mình một nơi dễ thở, trước hết là khí trời, sau đó là điều kiện làm việc.
Ngược lại, với tư cách một người đang hành nghề y, ông lại thấy cái phần chưa thỏa đáng trong chính sách với y tế của ta bây giờ là gì?
Trong chính sách y tế điều mà tôi đã nhiều lần phát biểu trực tiếp với Bộ trưởng, với Tổng giám đốc bảo hiểm y tế đó là: Dịch vụ để phục vụ cho người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế “giúp” người dân đi khám bệnh không mất tiền, nhưng liệu người dân có được thừa hưởng các dịch vụ đủ để chẩn đoán bệnh và chữa bệnh hay không? Bởi vì giá bảo hiểm không phù hợp với chi phí của dịch vụ y tế. Ví dụ: chụp đại tràng tiền thuốc, tiền phim, tiền bác sỹ, tiền kỹ thuật viên đã mất tới 70.000 đồng nhưng bảo hiểm lại thanh toán 40.000 đồng hoặc một ca soi dạ dày, soi đại tràng... trả qua bảo hiểm thanh toán quá rẻ. Vậy liệu có ai dám bỏ tiền túi ra để người bệnh được hưởng các dịch vụ đó không? Ngoài ra có nhiều căn bệnh lẽ ra phải được chuyển lên tuyến trên để bệnh nhân điều trị có hiệu quả nhưng tuyến dưới vẫn cố tình giữ lại bởi vì tuyến trên sẽ tha hồ sử dụng hết kinh phí của tuyến dưới, cuối cùng người bệnh vẫn chịu thiệt thòi. Tôi thấy cơ chế này hoàn toàn bất hợp lý. Chúng ta nên đi nghiên cứu ở các nước để có cơ chế phù hợp hơn.
Là trung tâm khám chữa bệnh tư nhân đầu tiên mở ra ở Hà Nội, bây giờ khi các bệnh viện tư nhân đã xuất hiện rất nhiều, theo ông điều gì là chưa được ở các dịch vụ khám chữa bệnh này?
Dịch vụ khám chữa bệnh này thực chất là điều rất tốt, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa công lập và xã hội hoá y tế. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề cần phải quan tâm đó là việc các cơ sở y tế tư nhân gặp nhiều khó khăn về đội ngũ thầy thuốc giỏi, về hành lang pháp lý và sự thông cảm của bệnh nhân. Phải làm sao bảo đảm cơ sở tư nhân cũng là phục vụ người bệnh theo đường lối chính sách của Đảng và những thầy thuốc tư nhân cũng là những thầy thuốc của nhà nước. Cho nên thầy thuốc tư nhân cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình: “Lương y như từ mẫu”.
Gần hết một nhiệm kỳ Quốc hội, là một đại biểu tự ứng cử, bây giờ nhìn lại, ông thấy phần mình còn chưa làm được tại diễn đàn này là gì? Khi ra ứng cử, ông kỳ vọng nếu là đại biểu Quốc hội ông sẽ làm điều gì? Và đến giờ, ông thấy mình đã đạt được kỳ vọng đó chưa?
Theo đánh giá của đoàn Quốc Hội cũng như nhân dân tỉnh tôi Nghệ An, thì tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của cử tri giao phó. Và cho dù có ứng cử nữa hay không, điều mong muốn của tôi vẫn được nhận xét của cử tri là: Tôi đã xứng đáng là đại biểu Quốc hội.
Thưa ông, nếu lần này không được giới thiệu tham gia ứng cử, ông có định tự ứng cử một khóa Quốc hội nữa không?
Cho đến giờ phút này, mặc dầu có nhiều đồng nghiệp, đồng chí khuyên tôi nên tiếp tục ứng cử Quốc hội khoá XIII, tuy nhiên bản thân tôi cũng chưa thể trả lời được. Vấn đề ở chỗ tôi muốn biết cử tri còn ủng hộ tôi không? Mặc dầu trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri bao giờ tôi cũng có những hoạt động để lại dấu ấn nơi tôi đến, được cử tri yên mến.
Về cuộc bầu cử lần này, tôi chỉ mong cử tri chọn những đại biểu tiêu biểu để hoàn thành nhiệm vụ mà cử tri giao phó.
Người ta biết đến BS Nguyễn Minh Hồng còn với tư cách một nhà làm từ thiện, một người con làm được nhiều việc cho quê hương mình? Phải chăng đó cũng là cách để ông “lấy lòng” cử tri của mình?
Việc làm từ thiện đó là sở thích của tôi không phải khi vào Quốc hội mà trước đó và kể cả sau này. Giống như một người ham mê bóng đá người ta thấy rất hạnh phúc có khi hô to, reo ầm lên vì sự sung sướng của họ, tôi cũng vậy, khi làm một điều gì tốt cho quê hương, cho đồng bào, cho người nghèo tôi cũng cảm thấy sung sướng và hạnh phúc như vậy. Và có lẽ sở thích này phải chấm dứt khi tôi không biết gì và không làm được gì, có nghĩa là hạnh phúc của tôi cũng đến thời điểm đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Cẩm Thúy /ĐĐK
|