Thứ Sáu, 22/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 3/10/2011 14:53'(GMT+7)

Xuất bản cuốn sách " Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng"

Thực hiện Thông báo số 29-TB/TW, ngày 20-5-2011 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 37-KH/BTGTW, ngày 20-6-2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 – 10-10-2011), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan hữu quan và gia đình tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký).

Cuốn sách gồm gần 100 bài viết chủ yếu dưới dạng hồi ký của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, của đồng đội, đồng chí, của những người cộng sự đã từng sống và làm việc hồi tưởng lại từ trong ký ức những hình ảnh đẹp đẽ về đồng chí Lê Đức Thọ. Các bài viết được sắp xếp thành sáu cụm chủ đề lớn:

- Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam

- Lê Đức Thọ với miền Nam

- Lê Đức Thọ với công tác tổ chức xây dựng Đảng

- Lê Đức Thọ với công tác ngoại giao

- Lê Đức Thọ với công tác quốc phòng - an ninh

- Về thơ Lê Đức Thọ.

Cuốn sách được xuất bản đúng dịp Đảng và Nhà nước ta tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 21 năm ngày mất của đồng chí Lê Đức Thọ, Nhà xuất bản và các tác giả xem đây như một nén tâm nhang tưởng niệm người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng đã có công lao to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một người cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng, một trong những học trò xuất sắc, cộng sự thân cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở vùng ngoại ô thành phố Nam Định thuộc phủ Thiên Trường xưa, nơi phát tích của Vương triều Trần với hào khí Đông A nổi tiếng trong lịch sử, đồng chí Lê Đức Thọ sẵn mang trong mình tinh thần yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc.

Năm 1925, khi 14 tuổi, đồng chí lên thành phố Nam Định học tập. Đây là trung tâm công nghiệp dệt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, nơi phong trào yêu nước và cách mạng phát triển rất mạnh. Đắm mình trong phong trào sục sôi ấy, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tháng 10-1929 trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Do tích cực tham gia những hoạt động yêu nước và cách mạng, đầu tháng 11-1930, đồng chí bị địch bắt và ngày 27-1-1931 bị toà án thực dân kết án khổ sai chung thân, sau giảm xuống còn 10 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Năm 1936 được trả tự do, đồng chí trở lại quê hương Nam Định tiếp tục hoạt động cách mạng và bị mật thám Pháp bắt lại vào tháng 9-1939. Đầu năm 1940, đồng chí bị toà án thực dân kết án 5 năm tù, lưu đày tại các Nhà tù Hoả Lò - Hà Nội và Sơn La, Hoà Bình.

Tháng 9-1944 ra tù, đồng chí được điều động về công tác tại An toàn khu của Trung ương ở vào giai đoạn cả nước đang sục sôi cao trào cách mạng.

Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang để quyết định Tổng khởi nghĩa, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Trung ương Đảng, cùng ban lãnh đạo tối cao của Đảng lãnh đạo toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 9-1948, trên cương vị Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử làm Trưởng phái đoàn của Đảng, Chính phủ và quân đội vào kiểm tra, giúp đỡ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Do yêu cầu thực tiễn của chiến trường, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Bác Hồ, Thường vụ Trung ương Đảng chấp thuận để đồng chí ở lại Nam Bộ cùng đồng chí Lê Duẩn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi.

H
iệp định Giơnevơ được ký kết, sau khi cùng Xứ uỷ và đồng chí Lê Duẩn sắp xếp lại tổ chức chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, tháng 1-1955 đồng chí tập kết ra Bắc và được phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Cuối năm đó, đồng chí được bổ sung vào Bộ Chính trị phụ trách công tác sửa sai trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Từ cuối năm 1956 trở đi, đồng chí phụ trách công tác tổ chức xây dựng Đảng và giữ trọng trách này trong một thời gian dài.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9-1960, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đồng chí tiếp tục giữ cương vị quan trọng này cho đến tháng 12-1986, được Đại hội VI của Đảng tuyên dương công trạng và cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng.

Sau đợt một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do yêu cầu của chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị cử đồng chí làm Phó Bí thư Trung ương Cục để cùng đồng chí Phạm Hùng trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam.

Tháng 5-1968, đồng chí Lê Đức Thọ được Bác Hồ và Bộ Chính trị gọi ra miền Bắc làm Cố vấn đặc biệt của Phái đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Hội nghị Pari. Tháng 6-1968, đồng chí đến Pari tiến hành cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh, trực tiếp đương đầu với những nhà ngoại giao kỳ cựu của nước Mỹ để cuối cùng đi đến ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27-1-1973, hoàn thành được di huấn của Bác Hồ "đánh cho Mỹ cút" để tiến tới "đánh cho ngụy nhào".

Tháng 3-1975 với đòn đánh điểm huyệt vào Buôn Ma Thuột, quân và dân ta đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, mở ra khả năng quét sạch ngụy quân, đánh đổ chế độ Sài Gòn ngay trong năm 1975.

Trước thời cơ chiến lược vừa được mở ra, cuối tháng 3-1975, đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường mang theo ý chí sắt đá của Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam và trực tiếp cùng Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí được phân công làm Phó ban đại diện của Đảng và Chính phủ để ổn định tình hình miền Nam và phụ trách công tác đặc biệt. Từ năm 1978, khi bọn phản động Pônpốt - Iêng Xari cho quân xâm lược toàn tuyến biên giới nước ta ở phía Tây Nam và gây ra thảm họa diệt chủng đối với dân tộc Campuchia, đồng chí được phân công lãnh đạo cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở phía Tây Nam và giúp cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Khơme đỏ diệt chủng.

Bài và ảnh: Giang Hà - Nxb. CTQG Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất