Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 25/8/2016 9:49'(GMT+7)

Cà Mau tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trường học mới

Một tiết học ở Trường Tiểu học Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quý Hiên

Một tiết học ở Trường Tiểu học Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quý Hiên

Các trường đã chỉ đạo tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ kiến thức của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, trước khi bước vào năm học mới, công tác tập huấn tại trường và cụm trường để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên cũng như chia sẻ những nội dung cơ bản của mô hình trường học mới. Mặt khác, các trường tiểu học đã có nhiều biện pháp gắn kết chặt chẽ với phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia với nhà trường nhằm đưa ra nhiều giải pháp chăm sóc, giáo dục học sinh với các hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời từng bước triển khai hiệu quả phương pháp dạy, phương pháp học, đánh giá học sinh, tổ chức lớp học nhằm hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, trong năm học 2015 - 2016, trên địa bàn tỉnh có thêm 16 trường tiểu học thuộc 9 huyện, thành phố tham gia thực hiện mô hình trường học mới. Ngoài ra, có 17 trường Trung học cơ sở tự nguyện áp dụng cho khối lớp 6 với số lượng 1.957 học sinh tham gia. Trước đó, vào năm học 2012 – 2013, Cà Mau đã có 14 trường tự nguyện triển khai thí điểm mô hình trường học mới.

Thực hiện mô hình này bước đầu đã đổi mới rõ rệt hoạt động sư phạm. Không khí lớp học sinh động; môi trường giáo dục thân thiện tích cực; học sinh mạnh dạn, tự tin…Công tác quản lý, nhận thức, năng lực của cán bộ quản lý, của đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng về mô hình này đã được thay đổi và nâng cao.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết: “Ðiểm nổi bật của mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Thể hiện rõ nét ở hoạt động sư phạm, từ chỗ giáo viên giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học. Từ chỗ học sinh tiếp thu thụ động, sang tự học thông qua các hoạt động học. Học sinh tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có kỹ năng làm việc nhóm, tự học, tự đánh giá và làm chủ quá trình học tập”.

Ðơn cử như kết quả học tập của học sinh Trường Tiểu học Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, ở 2 năm học: 2012-2013 và 2013-2014, mỗi năm trường chỉ có 1 học sinh chưa hoàn thành; năm học 2014-2015, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Còn tại Trường Tiểu học 2 Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, cả 3 năm học thực hiện theo VNEN, 99,7% học sinh hoàn thành các môn học; hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất đạt 100%.

Cô Tạ Thị Huế, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, phường 4, thành phố Cà Mau, cho hay: “Toàn trường có 6 lớp ở khối 6 với hơn 210 học sinh tham gia mô hình VNEN. Rất mừng vì phụ huynh các em đã nhiệt tình phối hợp với nhà trường trong việc bổ sung cơ sở vật chất trường học, đảm bảo chỗ ngồi cho các em học 2 buổi/ngày, tham gia trang trí lớp, ngoài ra, họ còn trực tiếp hướng dẫn con em thực hiện hoạt động ứng dụng tại nhà. Nhờ đó, mô hình VNEN triển khai khá thuận lợi”.

“Mặc dù trường chỉ mới áp dụng theo mô hình mới, nhưng qua các tiết dự giờ và qua báo cáo của giáo viên đứng lớp, hiệu quả học tập của các em rất tốt, các em dần phát huy tính chủ động, sáng tạo, đặc biệt, học sinh yếu luôn được bạn bè, giáo viên quan tâm, giúp đỡ”, cô Tạ Thị Huế phấn khởi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục trong 4 năm thực hiện dự án, một số trường tiểu học vẫn chưa đảm bảo đủ phòng để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Phòng học thiết kế với diện tích hẹp nên ảnh hưởng đến việc thiết kế không gian lớp học và sắp xếp bàn ghế để học nhóm. Một số giáo viên còn lúng túng khi thực hiện phương pháp học nhóm. Một số ít học sinh còn thụ động, ỷ lại, ảnh hưởng đến tiến trình dạy học, làm cho giáo viên mất nhiều thời gian.

Tại một số trường trung học cơ sở khi tự nguyện áp dụng mô hình thì phòng học thiết kế theo phương pháp cũ nên chật hẹp, điều kiện vật chất vẫn còn thiếu. Việc bố trí lớp học, đồ dùng học tập đòi hỏi chi phí nhiều hơn so với lớp học bình thường. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại nhất là năng lực một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, còn rập khuôn, khá lúng túng với phương pháp học tập nhóm. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhà trường và cộng đồng tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện mô hình mới, thực hiện đổi mới cách dạy - học; đồng thời tổ chức tốt các chuyên đề về chuyên môn là rất cần thiết.

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các dự án, đề án đã được phê duyệt nhằm nâng chất giáo dục cấp tiểu học. Đáng kể nhất là các chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP); triển khai tiếng việt 1, công nghệ giáo dục; đề án "phương pháp bàn tay nặn bột"; thí điểm dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch; dạy học ngoại ngữ, tin học... đã thu được những kết quả khả quan./.

Huỳnh Thế Anh/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất