Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 21/8/2016 21:18'(GMT+7)

Chuyên gia toán học “mổ xẻ” bất cập dạy toán trong nhà trường

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với báo chí bên lề chương trình Ngày hội toán học mở. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với báo chí bên lề chương trình Ngày hội toán học mở. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Chương trình do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức tại Hà Nội.

Áp đặt và đánh đồng 


Theo tiến sỹ Trần Nam Dũng, giáo dục toán học nói riêng ở các trường phổ thông của Việt Nam hiện nay còn rất nhiều bất cập. Giáo viên đưa ra mệnh đề và học sinh áp dụng theo một cách máy móc mà không hiểu về bản chất. Càng lên các bậc học cao hơn, toán học càng khô khan và xa rời thực tiễn. 

Trong nhà trường, giáo dục thực hiện theo lối dàn hàng ngang và cào bằng tất cả các đối tượng học sinh mà không có sự phân loại theo năng lực từng em. 

Bên cạnh đó, giáo dục quá chú trọng về tư duy logic mà quên mất rằng con người có đến 8 loại hình thông minh khác nhau, bên cạnh thông minh logic còn có thông minh ngôn ngữ, thông minh nghệ thuật… Và mỗi học sinh đều có những năng lực, thiên hướng khác nhau.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, tiến sỹ Chu Cẩm Thơ cho rằng, các nhà trường đã rất lâu ổn định một cách dậy, một nội dung cho tất cả các học sinh mà quên mất cơ hội để các em tỏa sáng và tự tin trong trường học. 

Những giờ học rất khép kín với những hoạt động gò ép, cứng nhắc trong áp đặt trẻ phải hiểu đúng theo một cách, không cho trẻ em được trải nghiệm những ứng dụng thực tiễn, được tự mình làm.

Bên cạnh đó, chưa có sự chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn nội dung chương trình, cách dạy học phù hợp với trẻ em.

“Đó là những bất cập mà tôi nghĩ là cốt lõi chứ không nằm ở chương trình và sách giáo khoa, không chỉ trong môn toán mà còn trong nhiều môn học khác,” tiến sỹ Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

“Tôi đã từng đến khoảng 100 trường tiểu học, từng tiếp xúc với hàng nghìn học sinh. Phải thừa nhận có rất nhiều giáo viên giỏi tự tìm đến các phương pháp dạy tốt nhất cho trẻ em, nhưng đó chỉ là số ít so với số giáo viên đã thực hiện cách dạy áp đặt."

"Chúng ta hay gọi đó là cách dạy truyền thống nhưng tôi cho là không đúng, vì cốt lõi giáo dục của muôn đời là việc học là một việc rất cá nhân. Người dạy phải khơi gợi sự tự chủ của học sinh trên cơ sở toàn bộ kinh nghiệm xã hội mà học sinh đó có,” bà Thơ nói.

Trẻ cần được phép sai

Cũng theo bà Thơ, những điều này hoàn toàn có thể được cải thiện ngay nếu nhà trường tôn trọng trẻ em trong các chương trình học tập và nhìn thấy vai trò của giáo viên trong việc thiết kế các bài giảng và các hoạt động toán học cho trẻ em.

Bà Thơ cho rằng hầu hết trẻ khi ở góc độ của mình không hiểu hết và không hiểu đúng sự vật như người lớn mong muốn, nhưng việc các em được bày tỏ suy nghĩ của mình là điều rất giá trị.

Với học sinh, việc được trình bày suỹ nghĩ và lắng nghe, tôn trọng suỹ nghĩ giúp trẻ tự tin, từ đó có sự tự chủ, và cao hơn là có tư duy phản biện.

Với giáo viên, việc lắng nghe các suy nghĩ của trẻ giúp người dạy biết cần điều chỉnh suy nghĩ đó như thế nào. 

“Việc chuyển suy nghĩ của học sinh từ sai sang đúng phải được thực hiện một cách tự nhiên nhất chứ không phải áp đặt và phủ nhận quyền nghĩ sai của học sinh,” tiến sỹ Thơ chia sẻ.

Với quan điểm đó, bà Thơ cho rằng việc thay đổi phương pháp dạy không phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất mà phụ thuộc nhiều nhất vào người thầy. Các trường có điều kiện tốt hơn đương nhiên sẽ giúp giáo viên được giải phóng nhiều hơn nhưng không phải điều kiện bắt buộc để thay đổi phương pháp.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư Hà Huy Khoái cho rằng, giáo dục áp đặt là cách tốt nhất để học sinh… quên. “Người Trung Quốc có câu: nói cho tôi nghe, tôi sẽ quên. Chỉ cho tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Cho tôi tham gia, tôi sẽ hiểu. Vì thế, giáo dục cần có những bài học trực quan, học sinh cần được thực nghiệm để chủ động lĩnh hội kiến thức. Tuy nhiên, giáo dục thực nghiệm trong các nhà trường hiện nay rất yếu,” giáo sư Hà Huy Khoái nhận định.

Giáo sư Ngô Bảo Châu thì cho rằng, với cách học để thi như ở các nhà trường hiện nay, mặt tích cực là học sinh chịu khó làm bài tập nhưng sẽ không thể tạo cho các em niềm say mê khám phá.

“Tất nhiên việc thi cử cũng rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo cho các em kỹ năng, sự say mê tìm tòi, khám phá mới là cái cần cho các em sau này,” giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ./.

Theo VN+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất