Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 29/10/2009 17:5'(GMT+7)

Ca trù sẽ bị thất truyền nếu không truyền nghề

Các nghệ nhân Câu lạc bộ Chanh Thôn hơn 60 năm mới được phát hiện và đây là địa chỉ vẫn giữ nguyên bản sắc ca trù giáo phường ngày trước

Các nghệ nhân Câu lạc bộ Chanh Thôn hơn 60 năm mới được phát hiện và đây là địa chỉ vẫn giữ nguyên bản sắc ca trù giáo phường ngày trước

Bài toán nào cho việc “bảo vệ khẩn cấp”

Mặc dù được công nhận với tên gọi “Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”, nhưng ngay sau khi UNESCO chính thức ghi danh thì Việt Nam vẫn chưa có động thái tích cực nào cho việc bảo tồn.

Cho đến nay, đại đa số các nghệ nhân ca trù không có đồng lương nào. Họ hoặc hoạt động một cách tự nguyện truyền dạy cho con cháu tại các Câu lạc bộ ở vùng quê, sang hơn thì có thể hát để kiếm tiền tại các Câu lạc bộ ở Hà Nội… nhưng có thể túm lại hai từ để nói về cuộc sống hoạt động ca trù của họ là rất “chật vật”.

Quỹ Ford cũng đã ưu ái nhiều cho các Câu lạc bộ ca trù như Thăng Long, Chanh Thôn (Phú Xuyên)… một số vốn nho nhỏ để hoạt động nhưng cũng không đủ để họ có thể sống với nghề.

Đó là điều lý giải vì sao khi hỏi bất kỳ nghệ nhân ca trù nào, điều mong mỏi của họ tựu chung đều là mong muốn Nhà nước có chính sách cho các nghệ nhân để hoạt động ca trù.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước cũng tích cực tổ chức các Liên hoan ca trù toàn quốc để tạo cơ hội cho bộ môn nghệ thuật này được khẳng định  và các nghệ nhân có dịp gặp gỡ, tìm hiểu về đặc trưng ca trù từng vùng miền. Nhưng sau cuộc Liên hoan ca trù năm 2009, dường như mục đích này khó thành.

Nhìn lại Liên hoan ca trù vừa diễn ra tháng 10 vừa rồi, mặc dù có sự tham gia đông đảo của các Câu lạc bộ Bắc – Trung – Nam, mặc dù có sự xuất hiện của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn rất độc đáo hiếm hoi còn tồn tại với 3 nghệ nhân đều trên 80 tuổi thì Liên hoan vẫn để lại khoảng trống.

Khoảng trống đó là sự thiếu vắng của những ca nương từng nổi tiếng trong giới của các Câu lạc bộ Thăng Long, Bích Câu Đạo quán. Thậm chí Câu lạc bộ ca trù Tràng An, Câu lạc bộ Thái Hà đều vắng mặt. Tựa như, sự vắng mặt của họ là lời nói không với các liên hoan mang tính vui vẻ là chính. Một số người không ngại ngần tỏ hẳn thái độ, họ không muốn so đo tài năng và xếp chung vào một giọ khi họ tự nhận mình là đỉnh cao của ca trù hiện nay.

Ca trù sẽ bị thất truyền nếu không truyền nghề

Thật đáng buồn cho thực tế ca trù hiện nay, để được nổi danh trong giới, một vài người tự nhận mình là học trò của các nghệ nhân cao niên ngày xưa mặc dù, mới chỉ học được chừng 1 buổi, nghe được vài câu hát. Sự bạc bẽo đó (từ dùng của các nghệ nhân ca trù) khiến các bậc cao niên không có niềm tin vào cái tâm của con trẻ với ca trù mà chỉ nhìn thấy mục đích thực dụng cho sự nổi tiếng hoặc lợi nhuận kinh doanh của họ.  

Do đó, có thể hiểu vì sao một vài nghệ nhân có tiếng lui vào ở ẩn, thậm chí họ bàng quan với cuộc sống ca trù đang khá sôi động hiện nay và chỉ giành thời gian để truyền nghề cho đúng một học sinh chân truyền.

Nên, mặc dù thêm nhiều người theo học ca trù, thêm nhiều câu lạc bộ và Nhà nước đang bắt đầu ra chính sách bảo tồn ca trù thì tình trạng thất truyền vẫn là nguy cơ khi các nghệ nhân giáo phường xưa kia im lặng với việc truyền dạy. 

Nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ đã ở tuổi trên 70 vẫn rất miệt mài hoạt động tại Câu lạc bộ ca trù Thăng Long và truyền dạy cho gần 10 học trò tại quê ông. Ông rất bức xúc “Ở tuổi này còn sống được bao lâu nữa mà không truyền dạy hết cho con cháu. Tôi sẽ truyền hết nghề cho con cháu, cho những ai tâm huyết với nghề này. Tôi nghĩ các nghệ nhân cao tuổi nên mở lòng với con cháu, khi chết đi cũng không mang theo được”.

Cũng theo cụ Nguyễn Phú Đẹ thì nguy cơ bị thất truyền của ca trù nằm chính ở chỗ, nhiều nghệ nhân cao niên giấu nghề và chỉ truyền dạy cho học sinh chân truyền.

Cùng chung nỗi lòng này, ca nương Nguyễn Thị Chúc bộc bạch “Nhiều lúc chúng tôi cũng rất buồn vì mặc dù mình truyền nghề cho các cháu nhưng khi ra nghề thì lại nhận là mình học của nghệ nhân khác. Nhưng đó cũng chỉ là số ít và đó là những người không có tâm. Tôi vẫn luôn mở lòng với các cháu nhỏ và rất mong các cháu sẽ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này”.

Thật hiếm Câu lạc bộ nào hoạt động mạnh mẽ và cộng đồng như Chanh Thôn (Phú Xuyên) hiện nay khi lớp nghệ nhân đã rất cao tuổi. Hai cụ Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn đã trên 82 tuổi vẫn miệt mài sinh hoạt câu lạc bộ hàng tuần để dạy cho các cháu nhỏ.

Hy vọng về một Học viện âm nhạc ca trù như ý tưởng của nhạc sỹ Đặng Hoành Loan để bảo vệ bộ môn âm nhạc dân gian bác học xem chừng là một lối thoát để ca trù vượt ra khỏi sự bài xích nhau về cái gọi là chuẩn mực giữa các câu lạc bộ và sự bi quan về lớp nghệ nhân đang thất truyền hiện nay./.

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất