Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 19/9/2009 20:35'(GMT+7)

Quen mặt, quen tên khác với nổi tiếng

Một chương trình "Người nổi tiếng" trên truyền hình (Ảnh minh hoạ).

Một chương trình "Người nổi tiếng" trên truyền hình (Ảnh minh hoạ).

Lâu nay,trên các phương tiện truyền thông thường có nhiều chuyên mục đăng tải các bài vở liên quan đến những nhân vật vẫn được gọi là nổi tiếng (Gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, chân dung). Đó thường là các văn nghệ sĩ, người mẫu, MC (dẫn chương trình), thậm chí cả phát thanh viên. Ngoài ra, nhiều nhân vật cuả nhiều lĩnh vực khác cũng được nhắc đến nhiều, tuy ít hơn so với các lĩnh vực trên.

Nhưng đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc ở khá nhiều trường hợp. Người nổi tiếng cần được hiểu là những người tài năng, có đóng góp đặc biệt nổi trội trong một lĩnh vực nào đó, in được dấu ấn trong một giai đoạn lịch sử, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ví dụ: Nhà nông học Lương Định Của, bác sĩ giải phẫu tim Tôn Thất Tùng, nhà mỹ học Vũ Khiêu, Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao, nghệ sĩ sân khấu Đào Mộng Long, nghệ sĩ điện ảnh Trà Giang… và rất nhiều tên tuổi lớn khác ở đủ mọi lĩnh vực, như chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật… không thể kể hết. Còn được gọi là nổi tiếng với những người không hẳn có tài năng đặc biệt mà có nghị lực phi thường, đã vượt qua hoàn cảnh hiểm nghèo để vươn lên thành người hữu ích, nêu môt tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí gang thép. Ví như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Ngọc Ký… Như vậy đương nhiên người nổi tiếng không thể nhiều, mà là rất quý hiếm so với tổng dân số quốc gia.

Nhiều người dễ phân biệt nổi tiếng với tai tiếng. Tính từ sau dành cho những người do làm việc xấu, gây tác hại cho một khu vực cộng đồng hoặc toàn thể xã hội, bị pháp luật trừng trị hoặc nhẹ hơn là tuy chưa ở mức tội phạm nhưng bị số đông người chê cười khinh bỉ. Vậy nên cái tên cuả họ cũng khiến nhiều người biết. Ví dụ: Năm Cam, Vũ Xuân Trường, Lại Thị Ngấn, Nguyễn Thị Hoa. Lương Quốc Dũng, Lã Thị Kim Oanh, Trần Kim Anh… hoặc gần đây nhất là mấy kẻ phản động Lê Công Định, Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung.

Song có một hiện tượng đã khiến rất nhiều người nhầm lẫn, ngộ nhận, trong đó không ít người làm công việc phóng viên, biên tập ở các cơ quan thông tấn, báo chí. Đó là cho rằng những người quen mặt quen tên cũng là nổi tiếng. Có nhiều diễn viên không có tài năng gì đặc biệt, nhưng do xuất hiện quá nhiều trên truyền hình (đóng phim, đóng tiểu phẩm hài, tham gia quảng cáo các loại hàng hoá) mà khiến ai ai cũng biết mặt quen tên. Thậm chí nhiều người làm công việc đọc các bản tin (phát thanh viên), dẫn các chương trình (MC) với chất giọng không có gì đặc biệt, cách dẫn dắt quá bình thường, nhưng do quanh năm ngày tháng làm những công việc trên mà chẳng ai xa lạ. Tất cả họ ra đường, làm cho trẻ con, những người ít hiểu biết đều dễ chỉ trỏ, mách bảo nhau. Điều đó khiến họ (và nhiều người) ngộ nhận là nổi tiếng, cứ như những minh tinh xuất chúng.

Phần lớn số người đang được coi là “danh hài” ở nước ta hiện nay chỉ gây cười được với trẻ em và một bộ phận công chúng nào đó; chưa khai thác được những tiếng cười thâm thuý, sâu sắc, nhiều khi còn tìm kiếm sự hài hước từ một thị hiếu thẩm mỹ thấp hoặc tự nhiên chủ nghĩa.

Giới MC ở nước ta cũng chưa có ai thực sự nổi tiếng với đúng nghĩa đã nói ở trên. Họ mới chỉ là những phóng viên vào chuyện, làm công việc giới thiệu nội dung, đưa nhân vật sự kiện đến khán giả. Nhiều khi họ còn nói rất nhiều, có lúc lấn lướt cả nhân vật chính nhưng do sự hiểu biết về văn hoá xã hội còn bất cập nên chưa đào sâu được nội dung. Các MC ở nước ta hiện nay mới chỉ sở trường với những chương trình vui vẻ, hoạt náo, còn khi cần sự lắng đọng, suy tư sâu sắc, trí tuệ sang trọng thì chưa đạt được.

Đưa lên làn sóng, màn hình, các trang báo, tạp chí có thể là bất cứ ai, cả nổi tiếng lẫn bình thường, thậm chí cả những phần tử tai tiếng bất hảo, miễn đáp ứng được ý đồ tuyên truyền giáo dục, cảnh tỉnh nào đó cuả cơ quan báo chí đối với xã hội. Nhưng xin rõ ràng, không thể lẫn lộn, ngộ nhận như lâu nay chúng ta vẫn mắc phải. Một phóng viên phỏng vấn một diễn viên hài: “Là một danh hài nổi tiếng, anh nghĩ gì…”. Nên sửa lại: “Là một diễn viên thường xuyên xuất hiện, góp mặt trong nhiều tiết mục, anh nghĩ gì…”, như vậy thuyết phục hơn (Chưa kể đã “danh hài” lại còn “nổi tiếng”?). Nếu muốn đề cập đến nhiều người, giới thiệu hoạt động cuả họ thì thay vì chuyên mục lâu nay vẫn có như “Gặp gỡ người nổi tiếng”, “Chuyện người nổi tiếng” nên sửa đổi tên là “Gặp gỡ”, “Trao đổi”, “Phỏng vấn”… Tóm lại là nên hết sức dè dặt lạm dụng từ “Nổi tiếng”

Mọi chuẩn mực luôn có giá trị khách quan. Không phải cứ thích là có thể chủ quan bơm, thổi các khách thể quá mức độ mà họ chưa tương xứng. Hạ thấp chuẩn mực cũng có nghĩa là tự hạ thấp mặt bằng dân trí vậy./.

Nguyễn Hưng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất