Những ngày đầu tháng 10, tại đình Cống Vị, ca trù và quan họ đã cùng hội ngộ trong đêm diễn kính cáo trời đất, tổ nghề và các bậc anh linh tiền bối về tin vui vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Đây là động thái đầu tiên và hoàn toàn tự phát của các nghệ nhân, nghệ sĩ trong CLB ca trù Thăng Long (Hà Nội) và CLB quan họ làng Đặng Xá (Bắc Ninh), chào mừng quan họ trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và ca trù được xếp vào danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Những niềm vui
Đêm diễn hội tụ những nghệ nhân thuộc hàng “báu vật” của ca trù như cụ Nguyễn Thị Chúc, các liền anh liền chị nhiều năm nay dồn công sức, tâm huyết phục nguyên quan họ cổ và gây dựng phong trào quan họ ở làng Đặng Xá. Đêm diễn cũng có sự tham góp của các gương mặt trẻ trong CLB ca trù Thăng Long, do các cụ Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ thành lập.
Khó có thể nói hết niềm vui trên gương mặt những nghệ nhân, những ca nương, những liền anh liền chị mà nhiều năm nay đang lặng thầm mải miết tập luyện, truyền dạy, giữ gìn và tiếp nối di sản âm nhạc của cha ông.
Cụ Nguyễn Thị Chúc, năm nay gần tuổi 80, lưng đã hơi còng và thân hình mảnh như cành liễu, cùng với học trò dâng hương trời đất tổ nghề và kính cáo với tiền nhân bài hát nói Gặp xuân (thơ Tản Đà), giọng thanh tân mượt mà và cũng nhuốm vẻ u uất.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc dâng hương kính cáo tổ nghề.
Cụ nói: “Tin ca trù được công nhận là Di sản thế giới đối với những người như chúng tôi là một niềm an ủi lớn lao. Tôi giờ gần đất xa trời rồi, có bao nhiêu vốn liếng dồn hết cho học trò chứ cũng không còn sức đi hát nữa. Nhưng tôi cũng mừng vì hiện tại có nhiều người trẻ đam mê và tâm huyết với nghệ thuật ca trù, thế là di sản mà chúng tôi giữ gìn của cha ông đã không bị đứt đoạn”.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, chủ nhiệm CLB quan họ làng Đặng Xá bồi hồi kể: “Tôi nhận được tin vui vào giữa đêm khuya ngày 1-10, lúc đó là 12h đêm, vậy là cả làng quê như thức giấc. Suốt đêm đó tôi không ngủ được. Chỉ có một cảm giác lâng lâng".
Sẽ cảm nhận được niềm vui của chị, nếu biết rằng vợ chồng anh chị vốn là bộ đội phục viên, trải qua chiến tranh trở về thấy quan họ - di sản quý giá của quê hương mình bị mai một, rồi âm thầm cóp nhặt từng làn điệu, đón mời từng nghệ nhân, tập hợp từng em nhỏ... Và với sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tâm huyết, chị đã gây dựng được câu lạc bộ quan họ tại làng mình, với định hướng phục hồi canh quan họ cổ, vốn thực sự đã chấm dứt từ lâu ở Bắc Ninh.
Đến Hà Nội từ buổi chiều để kịp cho đêm diễn tối 4-10 tại Hà Nội, các chị và các liền anh Hai Ninh, Hai Hiển... dù thấm vẻ mệt nhưng không giấu niềm vui ngập tràn trên gương mặt. Sau canh hát, mặc dù cũng phải lên xe về Bắc Ninh ngay trong đêm, nhưng họ cũng cứ dùng dằng không dứt bởi người nghe cứ muốn nán lại, muốn nghe thêm. Nhiều khán giả Hà Nội cứ níu lấy chị Hai Quýnh, xuýt xoa, lần đầu tiên được nghe “quan họ gốc” hay thế...
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người trực tiếp điền dã, thống kê di sản ca trù trên toàn quốc và cũng trực tiếp lập bộ hồ sơ di sản quốc gia gửi UNESCO có mặt tại đêm diễn chào mừng, phấn khởi: “Đây là lần đầu tiên UNESCO công bố về di sản qua Công ước quốc tế, và khi có sự công bố chính thức, chắc chắn chúng ta sẽ có những buổi lễ đón nhận ý nghĩa. Đêm diễn này là một động thái hết sức tích cực của các nghệ nhân, nghệ sĩ tỏ lòng yêu mến, trân trọng nghệ thuật truyền thống”.
Và những ngậm ngùi...
Hiếm hoi có một buổi biểu diễn ca trù và quan họ trong không gian đình làng ở ngay trong thành phố, nên buổi biểu diễn thu hút khá đông khách tới nghe. Ngoài những người trong giới, bạn bè của hai câu lạc bộ ca trù và quan họ, các nhà nghiên cứu và báo giới, cũng có khá đông người dân quanh khu vực đình Cống Vị, một số khách nước ngoài. Sân đình trải chiếu hoa, không gian đậm chất truyền thống, nghệ nhân ngồi giữa, người nghe xếp hai bên và đứng chen chúc cả ra cửa. Vậy nhưng sự tĩnh lặng cần có của một đêm nghệ thuật truyền thống cũng bị xáo trộn bởi một cuộc hát hò hội họp gì đó ầm ĩ loa đài ở bên cạnh. Thỉnh thoảng giữa làn điệu Cảm thu, Thét nhạc của ca trù, những làn điệu lề lối của quan họ cổ lại chói lên tiếng loa hát nhạc mới...
Các liền anh liền chị đến từ làng Đặng Xá.
Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, người bỏ nhiều công sức
và tâm huyết phục hồi quan họ cổ.
Chị Phạm Thị Huệ, đào đàn của CLB ca trù Thăng Long ngậm ngùi: “Mặc dù rất được Ban quản lý Đình Cống Vị ủng hộ và quan tâm, và chương trình đã có sự chuẩn bị trước, để chào mừng ca trù và quan họ được thế giới công nhận, nhưng vẫn thiếu một sự tôn trọng và nhường nhịn cần thiết để có được một đêm diễn theo ý muốn chúng tôi. Nhưng đó cũng là điều mà tôi thường chứng kiến trong quá trình đeo đuổi ca trù. Nghệ thuật truyền thống vẫn chưa có được chỗ đứng trong công chúng rộng rãi”.
Chị Huệ cũng cho biết, những nghệ nhân lão thành như cụ Nguyễn Phú Đẹ, cụ Nguyễn Thị Chúc... mặc dù đã được công nhận là nghệ nhân dân gian, và với bộ môn ca trù thì họ thật sự là những di sản sống hiếm hoi còn lại, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa được một chế độ gì từ phía nhà nước hoặc một cơ quan xã hội nào. Các buổi biểu diễn của các cụ dù thật hiếm hoi, nhưng luôn luôn là miễn phí, thế nhưng khách nghe cũng chỉ giới hạn trong một bộ phận nào đó.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, có quá nhiều những việc phải làm trong chương trình hành động để bảo tồn ca trù và quan họ - những loại hình âm nhạc truyền thống mà theo ông, “đã đi xa quá xa đời sống hiện tại của chúng ta bây giờ”.
(Theo: ND)