Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/4/2013 10:29'(GMT+7)

Các biên đạo trẻ: Nhiều hạn chế về kiến thức lịch sử

Với nghệ thuật múa, sức trẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu (Ảnh minh họa: TTXVN)

Với nghệ thuật múa, sức trẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu (Ảnh minh họa: TTXVN)



Tuy nhiên, từ đó đến nay, loại hình nghệ thuật này lại không có được nhiều tác phẩm thành công, gây được tiếng vang lớn như vậy. Hơn nữa, trong hội thảo chuyên đề “Sáng tác múa với đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng” diễn ra ngày 4/4, người ta cũng thấy rất ít những gương mặt nghệ sỹ, nhà biên đạo trẻ.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam về vấn đề này.

- Trong hội thảo chuyên đề “Sáng tác múa với đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng” do Hội nghệ sỹ Múa tổ chức, các nhà biên đạo trẻ tham gia không nhiều. Phải chăng, các nghệ sỹ trẻ không mấy “mặn mà” với đề tài này, thưa bà?

NSND Chu Thúy Quỳnh:
Thực tế, ngành múa luôn coi đề tài lịch sử là một trong những đề tài trung tâm, quan trọng hàng đầu trong việc sáng tạo tác phẩm. Các thế hệ nghệ sỹ, nhà biên kịch vẫn luôn ý thức sâu sắc điều đó.

Thực tế, thời gian qua có nhiều biên đạo trẻ đã có những tác phẩm khá ấn tượng, cho thấy những sáng tạo riêng về đề tài này như Tuyết Minh, Xuân Thanh, Bích Lan...

Thậm chí, nhiều bạn trẻ chủ động đề nghị dựng các tác phẩm về đề tài lịch sử và cách mạng. Như vậy, không thể nói rằng các nhà biên đạo, nghệ sỹ trẻ không “mặn mà” với đề tài này.

Còn việc, họ không có mặt nhiều trong hội thảo lần này bởi: Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích nhìn nhận và tổng kết, đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại của các sáng tác về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng.

Các biên đạo, nghệ sỹ lão thành sẽ có những cái nhìn xuyên suốt để đưa ra những  tổng kết, đúc rút ra làm bài học cho các nghệ sỹ trẻ. Bên cạnh đó, Hội nghệ sỹ Múa vẫn luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các bạn trẻ học tập, sáng tạo và nói lên ý kiến riêng của mình.

- Thế nhưng, người ta vẫn nói, thời hoàng kim của sáng tác múa về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng đã qua khi lâu nay không có những tác phẩm thành công, gây được tiếng vang lớn như thời kỳ đầu. Phải chăng vì các biên đạo, nghệ sỹ trẻ không trực tiếp sống và trải nghiệm qua các thời kỳ đó nên không có được những tác phẩm như vậy?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc đã tạo điều kiện cho nhiều tác phẩm lớn ra đời. Có rất nhiều sáng tác được dàn dựng và biểu diễn ngay tại chính chiến trường mà không cần sân khấu cầu kỳ. Không khí cách mạng sục sôi có tác động trực tiếp đến các giác quan của người nghệ sỹ. Hơi thở cuộc sống thể hiện đậm nét trong các sáng tác.

Tuy nhiều bạn trẻ cũng rất chủ động và nhiệt tình trong việc khai thác đề tài lịch sử, nhưng đây là một đề tài khó với những yêu cầu rất khắt khe. Bên cạnh những đòi hỏi về kỹ thuật chuyên môn, nó còn đòi hỏi cả người biên đạo và nghệ sỹ biểu diễn phải có vốn tri thức lịch sử, những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, đất nước, con người trong quá khứ.

Thực tế, những kiến thức và hiểu biết về lịch sử xã hội của các biên đạo, nghệ sỹ trẻ còn nhiều hạn chế. Khi sáng tác một tác phẩm múa về đề tài lịch sử thì họ mới bắt đầu sưu tập, tìm kiếm tư liệu. Việc nghiên cứu chưa được sâu sắc dẫn đến việc các tác phẩm mới chỉ dừng lại ở mức gợi mở chung chung, chưa đi được vào chiều sâu của vấn đề, sự kiện và nhân vật lịch sử.

Thế nhưng, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai phát triển của các sáng tác múa về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng. Qua thực tế làm việc, tôi nhận thấy các bạn trẻ luôn có thái độ tiếp thu, học hỏi để tự hoàn thiện mình.

Không chỉ học qua các trường lớp, khóa đào tạo, các bạn còn tự chủ động tự học qua các kênh hình, Internet.

- Với tư cách là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, thời gian tới, Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam có kế hoạch gì để thúc đẩy sự phát triển của các sáng tác về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng cho phù hợp những yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn cảnh mới của đất nước?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Chúng tôi sẽ mời các nhà sử học, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, nói chuyện về lịch sử dân tộc để tăng cường vốn kiến thức nền cho các nghệ sỹ, biên đạo múa.

Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các trại sáng tác, khuyến khích các sáng tác mới về đề tài này. Khác với những năm trước, tại các trại sáng tác trong năm nay, chúng tôi sẽ mời chủ yếu là các nghệ sỹ, biên đạo trẻ tham gia nhằm phát huy hơn nữa sức trẻ trong nghệ thuật múa Việt Nam.

Nghề múa với những đặc thù của nó luôn đòi hỏi đội ngũ trẻ. Nói khác đi, với ngành múa, sức trẻ là quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ tập trung đào tạo thế hệ trẻ, tổ chức các cuộc thi biên đạo trẻ.

Nghệ thuật múa là phải vừa nghe vừa làm chứ không phải vừa nghe vừa suy ngẫm. Nó phải thể hiện ra bằng tác phẩm cụ thể chứ không thể đơn giản chỉ nói bằng lời, chủ trương chung chung.

Sau khi kết thúc trại sáng tác, các tác phẩm sẽ được chọn lọc để trình diễn, giới thiệu tới công chúng. Tác phẩm sau khi ra đời phải được trình diễn thì mới “sống” được.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất