Để giúp đỡ cho học sinh nghèo có điều kiện bước vào năm học mới 2012-2013, Hội khuyến học tỉnh Phú Yên vừa trao 250 suất học bổng do Tổ chức Đông Tây hội nghộ tài trợ.
* Theo ông Phạm Minh Hoàng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, bước vào năm học 2012 – 2013, toàn tỉnh có 14 trường học mới với 229 phòng học đạt chuẩn đưa vào sử dụng; 244 phòng học xuống cấp được đầu tư thay thế; nhiều công trình nhà vệ sinh trường học được xây mới, tu sửa.... với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Năm học 2012 – 2013, ngành giáo dục Đồng Nai cũng tuyển mới gần 1.000 giáo viên, nâng tổng số giáo viên toàn tỉnh lên gần 27.000 người.
Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khuyến khích, có chế độ hỗ trợ đội ngũ giáo viên ở tất cả các bậc học nhằm nâng cao trình độ, thu hút giáo viên về công tác lâu dài trên địa bàn. Việc đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học đã có cố gắng nhưng do số học sinh tăng quá nhanh nên vẫn có tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học ở một số trường. Toàn tỉnh còn hơn 60 lớp phải học 3 ca, tập trung ở thành phố Biên Hoà. Bên cạnh đó, mạng lưới trường mầm non hiện chưa đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội; có những địa bàn chưa có trường mầm non công lập, ảnh hưởng lớn đến việc gửi trẻ của một bộ phận công nhân, người dân có thu nhập thấp. Với con em vùng đồng bào dân tộc ít người, năm nay Đồng Nai có thêm 1 trường phổ thông dân tộc nội trú với quy mô 500 học sinh được đưa vào sử dụng.
Năm học 2012 – 2013, Đồng Nai có hơn 550 ngàn học sinh tựu trường, tăng gần 8.000 học sinh so với năm học trước. Hiện 100% trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1 tại Đồng Nai đều được đi học, 100% học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6. Tuy nhiên, chỉ có 78% học sinh hoàn thành THCS đủ điều kiện vào các trường THPT.
* Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, giá không tăng và sức mua thấp là tình hình thị trường hàng hóa chuẩn bị cho năm học mới 2012 – 2013 tại Vĩnh Long.
Tại cửa hàng sách FAHASA, cửa hàng sách và Thiết bị trường học Vĩnh Long, thị trường hàng hóa cho năm học mới đã khởi động sớm từ tháng 6. Năm nay UBND tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho Công ty Cổ phần Sách – Thiết bị vay vốn bình ổn giá từ ngân sách nhà nước 5 tỷ đồng chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa phục vụ năm học 2012-2013. Nhờ đó, Công ty hỗ trợ giảm giá bìa 10% đối với tất cả học sinh có mua sách giáo khoa thay vì chỉ phát hành phiếu giảm giá dành cho học sinh nghèo và học sinh giỏi như những năm trước.
Chiếm lĩnh thị trường các mặt hàng sách vở và dụng cụ học sinh như bút, bút sáp màu, hộp đựng bút là các sản phẩm thương hiệu Việt: Thiên Long, Bến Nghé, Vĩnh Tiến, Vibook… Mặt hàng cặp, ba lô…với nhiều chất liệu đa dạng như simili, vải bố, vải dù không thấm nước… có giá từ 180.000 – 250.000 đồng/chiếc được các phụ huynh chọn mua nhiều. Riêng mặt hàng vải may áo dài và đồng phục học sinh may sẵn năm nay tiêu thụ chậm do giá vải và tiền công dịch vụ tăng cao nên phụ huynh mua sắm cho con hạn chế. Nhiều trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học…tại Vĩnh Long thiết kế mẫu đồng phục bộ váy áo riêng cho từng cấp học với giá từ 250.000 đồng – 360.000 đồng/bộ.
* Để giúp đỡ cho học sinh nghèo có điều kiện bước vào năm học mới 2012-2013, Hội khuyến học tỉnh Phú Yên vừa trao 250 suất học bổng do Tổ chức Đông Tây hội nghộ tài trợ.
Mỗi suất học bổng trị giá 617.000 đồng gồm cặp, một bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập và đồng phục học sinh. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ đóng bảo hiểm suốt thời gian học đến khi tốt nghiệp THPT. Đây là những học sinh hiếu học, nhưng nhà nghèo nếu không giúp đỡ sẽ có nguy cơ bỏ học, thuộc 17 trường trung học cơ sở các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu do Ban giám hiệu và Phòng giáo dục các địa phương chọn lựa.
Được biết, hàng năm Hội khuyến học tỉnh Phú Yên trao 450 suất học bổng do Tổ chức Đông Tây hội ngộ giúp đỡ cho học sinh nghèo hiếu học.
* Ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Đến giữa tháng 8 này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới 2012 - 2013 đã được Phòng giáo dục và Đạo tạo huyện hoàn thành để đón trên 5.200 em học sinh các cấp học. H uyện đã đầu tư kính phí khoảng 4 tỷ đồng xây dựng và đưa vào sử dụng 12 phòng học mới kiên cố, trong đó có 6 phòng cho Trường trung học cơ sở (THCS) Sơn Tinh, 6 phòng cho Trường tiểu học Sơn Liên, đồng thời đầu tư nguồn kinh phí trên 1 tỷ đồng để tu sửa hàng chục phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cũng đã dành 200 triệu đồng để mua vở và 300 triệu đồng mua sách giáo khoa bổ sung cấp cho tất cả học sinh là con em đồng bào dân tộc Cadong và học sinh nghèo đến trường. Phòng đã hoàn thành việc xét tuyển gần 70 giáo viên cho các cấp học, nâng tổng số cán bộ, giáo viên tại các trường lên trên 500 người, đảm bảo cho công tác giảng dạy, quản lý tại các trường học.
Thực hiện Dự án đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học (SEQAP) từ nguồn vốn ODA tài trợ thông qua Bộ Giáo dục - Đào tạo, huyện Sơn Tây đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học kiên cố tại các xã với nguồn kinh phí 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Thạnh, hiện nay khó khăn nhất của huyện là cơ sở vật chất trường lớp thiếu tại 3 xã mới tái lập (Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu), trong đó 2 xã Sơn Liên và Sơn Màu chưa có trường THCS, đường giao thông đi lại từ xã về huyện từ 10- 20 cây số, thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, thực hiện Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng trường lớp bán trú cho học sinh từ năm 2010, nhưng đến nay trên địa bàn huyện Sơn Tây chưa có trường nào được đầu tư xây dựng có chỗ cho học sinh ở bán trú, nên dẫn đến tình trạng học sinh tại các xã này bỏ học khoảng 10%.
Từ một huyện khi mới được tái lập (năm 1994) có đến 92,8% người mù chữ, đến nay huyện Sơn Tây phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, thành lập một trường THPT hàng năm có trên 300 học sinh theo học. Năm học 2011- 2012 vừa qua huyện cũng đã xóa được tình trạng "lớp nhô" ở các trường tiểu học và THCS./.
Theo TTXVN