Hội thảo đã nhận diện Môi trường công nghệ thông tin (CNTT), đánh giá vai trò của CNTT đối với giaó dục đào tạo (GDDT) cũng như sự tác động qua lại giữa phát triển giáo dục và CNTT trong quá trình đổi mới giáo dục và những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển căn bản, toàn diện giáo dục trong môi trường CNTT.
Ông Quách Tuấn Ngọc, đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cho rằng, hiện nay, trong các văn bản, chiến lược về giáo dục, phần CNTT còn mờ nhạt. Ông cho rằng, bàn về đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục, nhất thiết phải có một mục về CNTT. Đó là yếu tố để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, hội nhập và quốc tế hóa.
Đồng tình với ý kiến này, PGS Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh, trước tiên, CNTT phải là công cụ mới để tổ chức lại hệ thống giáo dục đi kèm những thiết chế giáo dục tương ứng. Ông cho rằng, nếu ko có sự đổi mới CNTT trong GDDT thì nền giáo dục sẽ đứng ngoài lề của sự phát triển
Từ góc độ của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng mục tiêu của giáo dục phải đạt đến là: Tạo ra vốn con người, nhân tố đảm bảo sự phát triển, muốn vậy phải chú trọng chuyển hóa kỹ năng thành kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, CNTT sẽ thúc đẩy hội nhập với việc đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa, tương thích, dịch chuyển, mở cửa và những đánh giá có tính so sánh. Ông Trương Đình Tuyển bổ sung, CNTT tác động đến cả cách thức lẫn mục tiêu. Giáo dục là phát huy tốt nhất những tiềm năng của con người để họ biết lựa chọn và dịch chuyển, thích ứng.
Với những phân tích có tính toàn diện hơn, làm rõ khái niệm về môi trường CNTT, GS Lâm Quang Toản cho rằng, đó là môi trường mà trong đó CNTT tương tác với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó bao gồm, môi trường CNTT trong Nhà trường, trong gia đình, trong một quốc gia và ở phạm vi quốc tế. Xét về đặc điểm, tính chất, môi trường CNTT là môi trường đa diện, đa lĩnh vực, không biên giới.
GS. Lâm Quang Toản cũng chỉ ra, đối với phát triển giáo dục, CNTT có những ý nghĩa đặc biệt. Trước tiên, là một nội dung giảng dạy, học tập, nghiên cứu; là công cụ, phương tiện để giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; CNTT giúp hình thành phương thức giáo dục mới như giáo dục sáng tạo, giáo dục mở thông qua trường học, lớp học “ảo” trên mạng; là phương tiện để đổi mới quản lý giáo dục; là môi trường để hình thành văn hóa, lối sống, nhân cách cho học sinh; là kho tư liệu lớn không biên giới; là môi trường kinh doanh về CNTT trong GD; là phương thức để hợp tác, hòa nhập giáo dục quốc tế…
Phân tích tác động tích cực và tiêu cực của môi trường CNTT đối với giáo dục, GS Lâm Quang Toản cho rằng, cần nhận thức rõ điều này để đạt hiệu quả giáo dục, tận dụng các ưu thế để nâng cao năng lực trí tuệ, nhân cách của cả thầy và trò.
GS. Phạm Đỗ Nhật Tiến ví von, CNTT đã hòa nhập, trở thành máu thịt của giáo dục chứ ko phải chỉ là phương tiện. Ông nêu ra một số giải pháp thúc đẩy như:
Thứ nhất, nên tiến dần chuyển nhà trường như hiện nay trở thành nhà trường điện tử mà bắt đầu là từ nhà trường phổ thông. Khác nhà trường truyền thống về kiến trúc trường lớp, cách dạy và học, nhà trường điện tử hướng mục tiêu tới kỹ năng của trẻ không phải chỉ là học và nhớ mà là tư duy ở trình độ cao, điều này rất cần trong thời đại mới.
Thứ hai, bên cạnh SGK giấy như hiện nay, cần tiến tới chuyển thành SGK điện tử và cung cấp miễn phí cho người học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục.
Thứ ba, giáo dục ĐH cần tiếp cận tài nguyên giáo dục mở hiện nay trên thế giới, nên khuyến khích các trường ĐH sử dụng các giáo trình mở.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, dù có nhiều tác động mạnh mẽ đến phương thức, nội dung giáo dục… nhưng CNTT cũng không thể thay thế người thầy, mà là hỗ trợ cho người thầy. Trước đây phải có thầy mới học được, CNTT tạo ra giáo dục mở, người học có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, được quyền thi, có thể lấy chứng chỉ, văn bằng mà ko cần đi theo lớp học truyền thống. GS Lâm Quang Thiệp viện dẫn, UNESCO từng khuyến cáo người thầy 2 điều: là làm chủ CNTT và ý thức vai trò của mình đã thay đổi. Song ông phân tích, vai trò người thầy có thể thay đổi, nhưng vị trí thì không thay đổi, có khi còn cao hơn trước, quan trọng hơn. Thông tin thì nhiều và sẵn, nhưng chọn thông tin nào, xử lý thông tin nào để thành tri thức cần có sự hướng dẫn của người thầy. Tuy nhiên, công nghệ ko thể thay được giáo viên giỏi, nhưng có thể thay được giáo viên tồi, nên bản thân người thầy cần phải nâng cao trình độ, chú trọng cập nhật các kiến thức về CNTT và Tiếng Anh.
TS Nguyễn Trường Tùng, Hiệu trưởng trường FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, ĐH NCL, trong tham luận “Hướng tới một nền giáo dục thực sự đổi mới” đưa ra luận điểm “dân số đông phải trở thành nguồn lực phát triển chứ không phải gánh nặng kinh tế xã hội”. Việt Nam hiện đang xếp ở nước thứ 13 đông dân nhất thế giới. Để thực hiện được mong muốn đó, cần phải kiến trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam cho phù hợp; xóa “vùng trũng” Tiếng Anh cho người dân Việt Nam; chú trọng vấn đề tài chính giáo dục và tận dụng ưu thế của CNTT trong đổi mới giáo dục.
Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn CNTT sẽ trở thành một nội dung trong Nghị quyết về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam tới đây.
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng ghi nhận những ý kiến thảo luận tâm huyết của các chuyên gia. Đồng chí nhấn mạnh, CNTT giúp giải quyết nhiều vấn đề trong giáo dục, cần lưu ý các tác động tiêu cực lẫn tích cực để tư duy vấn đề cho thỏa đáng. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam hướng tới chuyển từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực, kỹ năng của người học...; phát triển giáo dục điện tử chính là chuyển sang nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế. Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục chỉ có thể thực hiện được nếu chú trọng phát triển CNTT.
PV