Trong một chương trình khảo sát về kỹ năng sống được thực hiện trên 1.000 học sinh-sinh viên VN do Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội thực hiện, có tới 95% sinh viên chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, 76,4% cho biết rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống.
Trong đó, hầu hết các em đều yếu kém về kỹ năng giao tiếp - biểu hiện quan trọng nhất của kỹ năng sống.
Vất vả tìm thành công
Trong biểu đồ tháp nhu cầu của Maslow, ở phần nhu cầu xã hội, giao tiếp đứng ở tầng thứ 3 sau nhu cầu về sinh lý và an toàn. Ông cha ta có câu: "Sự ăn cho ta cái lực, sự ở cho ta cái trí và sự bang giao cho ta cái nghiệp". Theo kết quả nghiên cứu về sự thành công của các nhà tâm lý học nước ngoài, công thức chung của người thành đạt là 25% kiến thức chuyên môn và 75% kỹ năng mềm. Giao tiếp tốt là 1 trong 3 yêu cầu hàng đầu mà các nhà tuyển dụng đưa ra.
Nhưng trên thực tế, khoảng 80% nhà tuyển dụng tại VN than phiền rằng nhân viên trẻ quá yếu trong giao tiếp, không đáp ứng được công việc dù bằng cấp tốt. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa - Viện Tâm lý học VN nhận định, phần đông người Việt thường mắc lỗi lớn nhất là giao tiếp một chiều, chỉ "giao" mà không "tiếp". Nghĩa là chỉ nói hoặc viết và truyền đi mà không lắng nghe hoặc tiếp nhận thông tin phản hồi.
Một lỗi khác là giao tiếp quá chú trọng vào con người mà không để tâm đến mục đích giao tiếp, dẫn đến hiện tượng nói tràng giang đại hải, đang nói vấn đề này lại chen vào vấn đề khác làm cho người nghe không thể hiểu nổi hoặc chưa đi vào mục tiêu vấn đề đã vội chỉ trích cá nhân gây "phản ứng tự vệ". Người nghe cũng thế, chưa kịp nhận thức vấn đề nhưng thấy ai bàn về vấn đề của mình thì vội vàng "tự vệ".
Chính sự yếu kém trong giao tiếp này đã khiến không ít người Việt gặp khó khăn trong cuộc sống xã hội. Không hiếm các bạn trẻ học rất chăm, có nhiều bằng cấp, chứng chỉ tốt song không thể xin nổi việc vì trả lời "chẳng đâu vào đâu" câu hỏi phỏng vấn của các nhà tuyển dụng. Một số em vì thiếu kỹ năng giao tiếp còn không thể hòa đồng với xã hội ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) đánh giá: "Kỹ năng giao tiếp của các bạn trẻ hiện nay còn khá yếu. Trong khi đây là kỹ năng giúp cho các bạn trẻ mới đi làm hòa nhập mau chóng với môi trường làm việc, tìm được cơ hội phát triển...". Cho đến nay, các nhà tuyển dụng VN vẫn thường nhắc lại câu chuyện Tập đoàn sản xuất chip vi tính lớn nhất thế giới Intel (Mỹ) từng thất vọng khi tuyển 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào VN, song chỉ có vẻn vẹn 40 ứng viên đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng mềm và biết cách giao tiếp. Và Intel không phải trường hợp cá biệt.
Theo dõi các cuộc thi quốc tế về khả năng trí tuệ như ISEF, Robocon... có thể thấy, trình độ của học sinh - sinh viên VN không hề kém cạnh so với các nước khác, song kỹ năng trình bày, tranh luận và hùng biện để hiện thực hóa ý tưởng của mình chưa tốt đôi khi khiến các em gặp khó khăn trong việc thuyết phục ban giám khảo và vô tình làm sản phẩm của mình bị "lu mờ".
Lương Thế Vinh - đạt điểm thủ khoa ngành Kinh tế năm 2009 tại trường ĐH Cambridge (Anh) - nói: "Mọi người vẫn thường nghĩ rằng những học sinh được nhận vào Cambridge ắt hẳn phải vô cùng xuất sắc, tiếng Anh siêu đẳng và kiến thức phổ thông rất giỏi, nhưng sự thật lại khác. Họ tìm những người sẽ giỏi, chứ chưa hẳn tìm những người đang giỏi. Đơn giản hơn, họ sẽ chiêu sinh những bạn trẻ có kỹ năng mềm tốt, biết cách giao tiếp để tôn cao bản thân một cách hiệu quả. Nhưng hơi tiếc là ở VN, đa số học sinh chưa được trang bị kỹ năng mềm nên mất điểm khi thi tuyển rất nhiều".
Đa dạng nguồn học "nói" và "nghe"
Trên thế giới, từ nhiều năm qua, môn học giáo dục kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng giao tiếp, đã được đưa vào chương trình học ở bậc tiểu học. Tại Việt Nam, từ năm học 2009-2010, Bộ GDĐT đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh vào dạy thí điểm ở một số trường mầm non, tiểu học. Năm 2011, Bộ GDĐT tổ chức xây dựng dự thảo chương trình học phần Kỹ năng giao tiếp trình độ trung cấp chuyên nghiệp và xin ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước.
Theo dự thảo này, môn Kỹ năng giao tiếp có thời lượng 30 tiết, tương đương với 2 đơn vị học trình và là môn tự chọn. Điều kiện đứng lớp của giáo viên giảng dạy là tối thiểu phải tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có chứng chỉ bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp.
Bên cạnh đó, không ít hoạt động nâng cao kỹ năng giao tiếp được liên tiếp mở ra như chương trình "Chinh phục thử thách PRO" do Trung ương Hội Sinh viên VN kết hợp với nhãn hàng Kotex Pro (Kimberly Clark VN) thực hiện, "Cùng bạn trẻ tự tin bước vào cuộc sống" do Vietnamobile kết hợp với Viet Idea và gần đây nhất là hội thảo IChallenged 2012 được tổ chức bởi Youth's View, Voice & Vision in Society...
Không ít bạn trẻ đã chủ động để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho mình như đi làm thêm, tham gia các hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, du lịch, giao tiếp với nhiều người... Ngoài ra, các em còn có thể đăng ký tham gia các khoá đào tạo tại các trung tâm hướng dẫn kỹ năng giao tiếp.
Việc lựa chọn lên mạng học và rèn luyện kỹ năng sống cũng là việc làm không còn xa lạ với giới trẻ hiện nay. Các diễn đàn, blog, facebook... đã nhanh chóng trở thành sân chơi mới. Trong đó, các bạn trẻ trao đổi một số kỹ năng cần thiết hay đơn giản là để xả stress sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Lướt qua các trang như tamviet.edu.vn, deltaviet.com, kynangsong.org, vicongdong.com... các bạn trẻ có thể tìm thấy những chia sẻ, trải nghiệm thú vị. Đó không chỉ là những kỹ năng ứng xử có văn hóa, cách đối nhân xử thế... mà còn là những kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống, những tài liệu học tập hay kỹ năng làm việc nhóm.
Nguyễn Thanh Hằng (CĐ Phát thanh Truyền hình I) cho biết: "Chúng tôi trọ ở Phủ Lý (Hà Nam) nên nếu muốn tham gia các lớp đào tạo kỹ năng sống thì phải lên tận Hà Nội. Học trên mạng thuận lợi hơn nhiều, lại không tốn thời gian, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 1-2 tiếng". Đặng Thị Nhung (SV năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát hiện ra mình có khả năng hùng biện và thuyết trình trước đám đông kể từ khi tham gia một khóa học kỹ năng mềm trên mạng ở Ý Chí Việt. Hiện tại, bạn đang tham gia tamviet.edu.vn với vai trò giảng viên.
Tuy nhiên, học kỹ năng sống trên mạng phụ thuộc chủ yếu vào tính tự giác, khả năng kiên trì và bộ lọc thông tin của mỗi người. Đặng Thị Nhung dẫn chứng: "Trên tamviet.edu.vn, có rất nhiều bạn đăng ký thành viên, tham gia một, hai buổi rồi bỏ. Chỉ có một số là "trụ" lại. Đó là những người cầu tiến thật sự và chỉ những người đó mới có thể gặt hái được thành công".
Ngày 19.7, tổ chức Youth's View, Voice and Vision in Soiecty (YVS) tổ chức chương trình hùng biện IChallenged 2012 về chủ đề "Nhận thức của giới trẻ về các giá trị truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện đại". Chương trình được bảo trợ và cố vấn bởi Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam (VSATH), Trung tâm Phát triển Kỹ năng con người Tâm Việt (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và bảo trợ thông tin bởi Báo Lao Động. Tại chương trình, 24 bạn trẻ vượt qua 2 vòng nộp đơn đăng ký và phỏng vấn gắt gao, cùng nhau trải qua 4 ngày rèn luyện kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện bằng những hoạt động mang tính tương tác, chia sẻ và thực hành cao.
Sau đó, họ phải thuyết trình trước hơn 350 khán giả và các chuyên gia xoay quanh chủ đề "Nhận thức của giới trẻ về các giá trị truyền thống Việt Nam trong bối cảnh hiện đại". Mỗi góc cạnh có một đội ủng hộ và một đội phản đối. Các chuyên gia giàu kinh nghiệm như .TS Dương Phú Hiệp - Nguyên Viện trưởng Viện Châu Á - Thái Bình Dương, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TW, Chuyên gia tư vấn Chính phủ; PGS.TS Phạm Thị Thanh Tâm - Viện trưởng Viện nghiên cứu và hỗ trợ phát triển nhân lực doanh nghiệp; TS. Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group... tham gia đóng góp những ý kiến và nhận xét về kỹ năng cũng như nội dung thuyết trình của các thí sinh.
Đây là dự án đầu tiên của YVS nhằm mục đích phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện - nền tảng cho sự tự tin của các bạn trẻ, từ đó tạo nên động lực thúc đẩy các bạn tìm hướng đi đúng đắn cho riêng mình và góp sức giải quyết các vấn đề nổi trội trong xã hội liên quan trực tiếp tới giới trẻ. Bạn Phan Công Tiến - quán quân cuộc thi hùng biện Socrates 2012 nhận xét: "Kỹ năng cần được rèn luyện chứ không chỉ đọc trong sách vở và IChallenged do YVS tổ chức đã tạo ra một sân chơi như thế". |
Theo Lao Động