Theo số liệu thống kê của trung tâm
phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tới trên
8.700 người nhiễm HIV/AIDS.
Sơn La có 204 xã, phường, trong đó 86% số xã có người nhiễm HIV/AIDS. Riêng quý
1/2013 phát hiện 120 người nhiễm HIV. Đây là một con số đáng báo động trong công
tác phòng, chống căn bệnh thế kỷ trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trước sự gia tăng không ngừng của HIV/AIDS, những năm qua, công tác phòng chống
HIV/AIDS ở tỉnh Sơn La đã được triển khai với nhiều chương trình hành động nhằm
phòng, chống HIV/AIDS như chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thay
đổi hành vi; chương trình can thiệp giảm tác hại; chăm sóc hỗ trợ người nhiễm;
giám sát HIV, theo dõi, đánh giá chương trình; tiếp cận điều trị HIV/AIDS; dự
phòng lây truyền từ mẹ sang con; an toàn truyền máu…
Ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La
cho biết khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Sơn La hiện nay
là nhận thức của
người dân về HIV/AIDS còn thấp.
Thêm vào đó, đối tượng nhiễm HIV/AIDS không khai đúng địa chỉ, họ tên, hay di
chuyển nơi cư trú nên công tác giám sát, phát hiện, tư vấn gặp rất nhiều khó
khăn. Bên cạnh đó, thực trạng thiếu các phòng chức năng gây không ít khó khăn
cho hoạt động chăm sóc, hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Sơn La là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc trong khi trình độ dân trí chưa cao, thêm
vào đó địa hình miền núi rộng, chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn
nên việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường
tình dục gặp rất nhiều khó khăn.
Mặt khác, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu tập trung tại các
khu vực thành phố, thị trấn, các khu vực trung tâm chưa đến được các vùng sâu,
vùng xa.
Tại các địa phương, cán bộ chuyên trách chương trình chủ yếu là kiêm
nhiệm, năng lực còn hạn chế và thiếu về số lượng.
Hiện nay, Trung tâm giáo dục lao động tỉnh Sơn La đang quản lý 1.650 học viên,
có tới 30% số học viên bị nhiễm HIV/AIDS. Trung bình mỗi năm có từ 10-15% số
học viên bị nhiễm HIV/AIDS trong giai đoạn cuối được trả về địa phương và gia
đình.
Những huyện có tỷ lệ người bị nhiễm HIV nhiều nhất là Thuận Châu, Sông Mã, Mường
La…
Thực tế cho thấy đa số người dân còn phân biệt, kỳ thị, xa lánh người nhiễm
HIV/AIDS, kể cả những người thân trong gia đình và chính điều đó đã trở thành
rào cản lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS./.
TTX