(TG)-Để duy trì sự hòa nhập của người khuyết tật một cách bền vững, rất cần
sự tăng cường hơn nữa các nguồn lực trợ giúp người khuyết tật của toàn
xã hội trên cơ sở các chính sách vĩ mô của nhà nước.
Từ ngày 20/6 đến 23/6 năm 2013, Ủy ban y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức sự kiện “Hợp sức chinh phục Fansipan” tại Sapa – Lào Cai nhằm thúc đẩy vấn đề hòa nhập cho người khuyết tật ở trong xã hội.
"Việc xây dựng một xã hội tốt phải bắt đầu bằng việc tạo điều kiện để cho tất cả mọi người có thể cùng tham gia vào xã hội đó, và đó chính là hòa nhập" - Cas Vander Horst, Phó đại sứ, Sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam.
Đoàn leo núi sẽ gồm 45 người gồm cán bộ của MCNV và sứ quán Hà Lan, cùng với các đối tác là các ban ngành từ Trung ương đến địa phương và những thanh niên khuyết tật là các đối tác trong lĩnh vực phát triển cùng hợp sức chinh phục đỉnh Fansipan.
Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập và hoạt động tại Việt Nam của MCNV (1968 – 2013) và 40 năm quan hệ Việt Nam – Hà Lan (1973 – 2013). Trước đó, MCNV đã và đang phối hợp cùng đối tác ở các địa phương trên 3 miền tổ chức một số sự kiện với chủ đề “Hướng tới xã hội hòa nhập” vì người khuyết tật. Đây cũng là mục đích, tôn chỉ trong các hoạt động của MCNV tại Việt Nam.
Sự kiện “Let’s dance together – Nhịp điệu hòa nhập” đã được tổ chức tại Quảng Trị nhân ngày 26/3 với sự tham dự của hơn 100 thanh thiếu niên khuyết tật và không khuyết tật đã thu hút sự quan tâm và thấu hiểu của cộng đồng đối với việc dành cho những người khuyết tật những cơ hội được tham gia hoạt động nghệ thuật như những người không khuyết tật.
Tiếp đó, Sự kiện “Football fusion-Summer Camp - Trại hè bóng đá hòa nhập” đã được tổ chức tại Đắk Lăk từ 10-15/6/2013. Với sự hỗ trợ của các huấn luyện viên đến từ Liên đoàn bóng đá Hà Lan, các em nhỏ khiếm thính cùng các trẻ khác đã được hướng dẫn cùng chơi bóng trên một sân, một đội, và được rèn luyện những kỹ năng để có một cuộc sống vui hơn, có ý nghĩa hơn trong một thế giới hòa nhập. Hoạt động này đồng thời cũng cho cộng đồng thấy rõ rằng tất cả trẻ em đều có thể chơi cùng với nhau. Cũng qua chương trình này MCNV cùng đối tác đã vận động gây quỹ được 660 triệu đồng từ các cá nhân và doanh nghiệp địa phương để hỗ trợ được nhiều hơn cho trẻ khuyết tật chưa có cơ hội đến trường ở hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk.
MCNV là một tổ chức phi chính phủ Hà Lan bắt đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tại Việt Nam từ năm 1968. MCNV hiện đang có các dự án ở khắp 16 tỉnh thành trên cả nước, tập trung vào các mảng như hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ, phát triển sức khỏe và đời sống cho cộng đồng, dự phòng và điều trị cho phụ nữ và trẻ em có HIV, hỗ trợ người già, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, đóng góp cho những phát triển ở nông thôn bao gồm tài chính vi mô và sinh kế, và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế…
Hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt đối với trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là một trọng tâm hoạt động của MCNV tại Việt Nam trong suốt gần 20 năm qua thông qua chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng với cách tiếp cận và can thiệp toàn diện, từ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập, hỗ trợ vốn, tạo việc làm tăng thu nhập, phát triển các tổ chức của người khuyết tật và hội cha mẹ trẻ khuyết tật, vận động chính sách và nâng cao nhận thức cộng đồng về các tiềm năng của người khuyết tật. Bên cạnh đó, hỗ trợ người khuyết tật luôn được lồng ghép trong các chương trình phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý. Từ các hoạt động của MCNV và đối tác, đã có hơn 15 nghìn người khuyết tật ở nhiều tỉnh thành khác nhau đã nhận được các trợ giúp và hòa nhập cộng đồng.
Để duy trì sự hòa nhập của người khuyết tật một cách bền vững, rất cần sự tăng cường hơn nữa các nguồn lực trợ giúp người khuyết tật của toàn xã hội trên cơ sở các chính sách vĩ mô của nhà nước, như lời chia sẻ của GS.TS Pamela Wright, giám đốc MCNV: “MCNV đã và đang làm việc với người khuyết tật và hiểu được những nhu cầu của họ. MCNV cũng như các tổ chức đang hỗ trợ người khuyết tật khác mong muốn Việt Nam và Hà Lan sẽ sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật để hướng đến việc họ được thụ hưởng bình đẳng các dịch vụ công cộng”.
Thông tin thêm về công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật
Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (tiếng Anh: Convention on the Rights of Persons with Disabilities) là một văn kiện nhân quyền quốc tế do Liên Hiệp Quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật. Các quốc gia tham gia Công ước phải đảm bảo quyền được thụ hưởng bình đẳng mọi dịch vụ công cộng của người khuyết tật.
Ngày 13 tháng 12 năm 2006, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật . Tính đến ngày 16 tháng 6 năm 2013, đã có 155 quốc gia ký và 119 quốc gia phê chuẩn. Việt Nam là thành viên thứ 118 ký tham gia Công ước vào ngày 22 tháng 10, 2007.
Được xây dựng dựa trên khuôn khổ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật đã có hiệu lực từ ngày 3 tháng 5 năm 2008 (sau khi đã có đủ ít nhất 20 quốc gia phê chuẩn), góp phần khẳng định và củng cố quyền của hơn 1 tỷ người khuyết tật (với các mức độ khác nhau) trên toàn thế giới. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi nhận thức của cộng đồng, theo đó khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề y tế, và thay đổi quan điểm hỗ trợ người khuyết tật từ góc nhìn xem đó là hành động nhân đạo sang cách tiếp cận đáp ứng quyền bình đẳng của người khuyết tật.
Hà Lan và Việt Nam là các Quốc gia đang trong lộ trình xem xét phê chuẩn Công ước Quốc tê về Quyền của NKT trong thời gian tới.
|
|
PV