(TCTG)- Hội nghị về khí hậu diễn ra tại Cancun, Mêhicô vào đầu tháng 12 tới sẽ có thể dẫn đến thành lập một "Quỹ xanh" nhằm giúp các nước nghèo thích ứng với khí hậu biến đổi.
Tại một hội nghị không chính thức nhóm họp khoảng 50 nước diễn ra tại Geneva (Thuỵ Sỹ) từ ngày 2-3/9, Bộ trưởng Môi trường Thuỵ Sỹ Moritz Leuenberger đã kết luận "việc tài trợ dài hạn trong lĩnh vực khí hậu rất cần một sự đồng thuận". Cuộc gặp trên được tổ chức bởi Thuỵ Sỹ và Mêhicô nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận về tài trợ. Đây là một vấn đề then chốt để mở đường cho cuộc đàm phán về khí hậu.
Thoả thuận Copenhagen vào tháng 12 tới dự kiến các nước giàu giải ngân 30 tỷ USD (23,34 tỷ Euro) từ nay đến năm 2012 và thiết lập một quỹ khí hậu xanh (green climate fund) cung cấp 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020.
Cuộc thảo luận tại Geneva đã bàn về cách thức quỹ trên sẽ có thể hoạt động và phối hợp với các quỹ đang tồn tại: quỹ môi trường thế giới, quỹ đặc biệt vì những biến đổi khí hậu và quỹ dành cho các nước kém phát triển. Tuy nhiên, như một thành viên tham gia hội nghị đã nêu rõ, "vấn đề không phải là tạo ra một con bò mà là tạo ra sữa".
Đâu là những nguồn có thể cung cấp tài chính? Vấn đề này đã được đề cập trong cuộc họp với những câu trả lời khác nhau: Các nguồn thuế mới? Sử dụng các cơ chế thị trường đánh thuế khí Cácbon? Sự tham gia của lĩnh vực tư nhân? Một số nước như Bôlivia nhấn mạnh quỹ trên có thể được cung cấp tài chính từ quỹ công của các Nhà nước.
Minh bạch nguồn tiền: Suy nghĩ này được đưa ra bởi Nhóm tham vấn cấp cao về tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lập ra. Nhóm này cần phải công bố báo cáo vào tháng 11./.
Theo báo LEMONDE.fr (Tin dịch)