Gần hai năm kể từ khi bùng phát làn sóng chính biến mang tên "Mùa Xuân Arập," khu vực Trung Đông-Bắc Phi tiếp tục trải qua những biến động lớn.
Nhiều nước trong khu vực chìm sâu vào bất ổn, chia rẽ, mâu thuẫn phe phái, sắc tộc và tôn giáo ngày càng sâu sắc. Cái gọi là dân chủ như những gì mà phương Tây hứa hẹn xem ra vẫn chỉ là bánh vẽ khi các cuộc lật đổ chính thể cầm quyền trong khu vực không mang lại cuộc sống ổn định và tươi sáng hơn cho người dân.
Năm 2012, "chảo lửa" Trung Đông-Bắc Phi liên tục là chủ đề "nóng" trong các bản tin quốc tế của các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kéo dài 21 tháng qua ở Syria được coi là tâm điểm có nguy cơ gây bất ổn cho cả khu vực.
Tình trạng xung đột giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Basa Al-Assad và phe đối lập ở nước này leo thang nghiêm trọng, làm hơn 42.000 người thiệt mạng, khoảng 3 triệu người phải đi lánh nạn.
Các nước lớn vẫn bất đồng và chia rẽ sâu sắc, nhiều sáng kiến chính trị bị đổ vỡ, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, trong khi Liên hợp quốc vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng.
Các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm kêu gọi tiến tới một thỏa thuận có thể dung hòa lợi ích của các bên liên quan vẫn bế tắc. Theo nhận định của giới quan sát, Syria đang phải hứng chịu cơn biến động chính trị, xã hội và quân sự lớn nhất từ trước đến nay và cách duy nhất để đưa quốc gia Trung Đông này thoát khỏi khủng hoảng là các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán và để người dân Syria tự quyết định vận mệnh của đất nước.
Phong trào "Mùa Xuân Arập" đã dẫn tới sự lên ngôi của lực lượng Hồi giáo tại một số nước. Mặc dù các chính quyền mới đã được thành lập, song những nước này vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như mâu thuẫn phe phái, kinh tế suy giảm và bất ổn an ninh.
Tại Ai Cập, lực lượng "Anh em Hồi giáo" đã cơ bản thâu tóm quyền lực từ trung ương đến địa phương. Tuy quá trình chuyển giao quyền lực giữa lực lượng quân đội và Tổng thống Mohamed Morsi diễn ra khá êm thấm, song cuộc đấu tranh giữa các phe phái lại diễn ra gay gắt trong quá trình xây dựng Hiến pháp. Phe Hồi giáo muốn Hiến pháp mới quy định Ai Cập là nhà nước tôn giáo, lấy Luật Hồi giáo Sharia làm cơ sở cho việc xây dựng luật pháp, quyền lực tập trung vào tay tổng thống, trong khi các lực lượng chính trị-xã hội khác kiên trì đấu tranh cho việc xây dựng một nhà nước dân chủ hiện đại.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Morsi ban hành một Tuyên bố Hiến pháp tự trao cho mình quyền lực gần như tuyệt đối. Sắc lệnh này cùng với quyết định đưa bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi ra trưng cầu ý dân đã kéo theo làn sóng biểu tình rầm rộ của phe đối lập và các cuộc đụng độ đẫm máu trên đường phố giữa những người ủng hộ và phản đối tổng thống.
Dù cuối cùng dự thảo hiến pháp cũng được thông qua với sự ủng hộ của đa số người dân, song cuộc đối đầu gay gắt giữa Tổng thống Morsi và lực lượng đối lập sẽ còn kéo dài và có nguy cơ đẩy đất nước Kim Tự Tháp vào một giai đoạn bất ổn mới.
Tại Libya, hơn một năm sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực và kinh tế trì trệ. Dù đã bầu ra được quốc hội và chính phủ, song chính quyền mới hiện đang rất vất vả để giải quyết vấn đề an ninh, hòa giải các phe phái, giải giáp các lực lượng quân sự của các địa phương và các bộ tộc.
Vụ tấn công Tòa lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi và vụ ám sát Đại sứ Mỹ ngày 11/9/2012 càng kích động thêm tâm lý chống Mỹ vốn đang âm ỉ trong dân chúng.
Lập trường thân phương Tây của phần lớn các nhà lãnh đạo khiến dân chúng có cảm giác rằng chính giới mới không có khả năng dẫn dắt đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay. Hơn nữa, điều đó càng làm tăng thêm sự rạn nứt giữa một bên là lực lượng nổi dậy có vũ trang sẵn sàng dứt điểm với Mỹ và bên kia là giới nghị sỹ muốn điều hòa với Washington.
Tình trạng trên khiến người dân Libya mất niềm tin và điều đó giải thích vì sao tình hình ở quốc gia Bắc Phi này lại bất ổn và hỗn loạn như hiện nay.
Tunisia - khởi nguồn của làn sóng "Mùa Xuân Arập" - cũng đang đối mặt với nguy cơ bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tham nhũng tràn lan và sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Tình trạng khẩn cấp liên tục được duy trì tại quốc gia Bắc Phi này kể từ khi chính quyền của Tổng thống Ben Ali bị lật đổ hồi tháng 1/2011.
Mới đây nhất, tổng thống nước này đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp tới tận ngày 1/2/2013, tiếp tục duy trì các quyền can thiệp đặc biệt cho quân đội và cảnh sát sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực.
Tại Yemen, tháng Hai năm nay, Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã buộc phải từ bỏ quyền lực do sức ép từ các cuộc biểu tình của phe đối lập. Tuy nhiên, giải pháp ra đi của nhà lãnh đạo Saleh vẫn chưa thực sự mang lại ổn định cho quốc gia này.
Yemen vẫn chìm trong bất ổn với hàng loạt vụ tấn công liều chết gây thương vong lớn và các vụ bắt cóc người nước ngoài do các nhóm nổi dậy và các thành viên mạng lưới khủng bố al-Qaeda thực hiện.
Với những mâu thuẫn "thâm căn cố đế" trong nội bộ từng nước và giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự can dự của các thế lực bên ngoài có lợi ích khác biệt, nhiều khả năng Trung Đông-Bắc Phi sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng bất ổn trong năm 2013, thậm chí được dự báo vẫn sẽ là điểm "nóng" của thế giới trong nhiều năm nữa./.
(Hữu Chiến/TTXVN)