Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/9/2009 21:14'(GMT+7)

Các sự kiện lịch sử Trung Lào - một biểu tượng sinh động của đường lối hợp tác và liên minh chiến đấu của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt – Lào

Đồng chí Tô Huy Rứa phát biểu kết luận Hội thảo (Ảnh Thu Hiền)

Đồng chí Tô Huy Rứa phát biểu kết luận Hội thảo (Ảnh Thu Hiền)

- Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Kính thưa đồng chí Xamản Vinhakệt, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Tư tưởng, Lý luận, Văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

- Thưa các vị đại biểu, các đồng chí cựu chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và Lào.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (1930-2007), từ năm 2008 đến nay, cùng với nhiều công việc khác, Ban Chỉ đạo Dự án Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đã tổ chức một số hoạt động khoa học, gặp gỡ nhân chứng, thăm lại chiến trường xưa… Hội thảo lần này là sự tiếp nối các Hội thảo ở Bắc Lào (tháng 12/2008), Nam Lào (tháng 2/2009) và Hội thảo về “Thân thế sự nghiệp Chủ tịch Xuphanuvông” (tháng 7/2009).

Hội thảo lần này rất vinh dự được đón đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang, uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đến dự và chỉ đạo. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với Dự án đặc biệt quan trọng do hai Bộ Chính trị, Ban Bí thư của hai Đảng trực tiếp chỉ đạo, xây dựng và triển khai. Với 39 bản tham luận chính thức được gửi đến Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo rất hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, đặc biệt các đồng chí cựu chuyên gia của hai nước, mặc dù tuổi cao, sức yếu, đã vượt qua hàng trăm cây số hội tụ về đây góp phần vào sự thành công của Hội thảo.

Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề:

1. Mặt trận Trung Lào giữ vị trí chiến lược, là căn cứ địa quan trọng của cách mạng Lào, góp phần khẳng định sự liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc anh em.

Đây là chủ đề chính của Hội thảo, nên đã được các đồng chí tập trung phân tích và làm phong phú, sâu sắc hơn nội dung các sự kiện lịch sử trên các chiến trường Trung Lào; làm sáng tỏ hơn những trận chiến đấu quyết liệt từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành lại hòa bình cho mỗi nước.

Đó là những trận đánh tiêu biểu của bộ đội Hà Tĩnh vào đồn Napê trên đất Trung Lào năm 1945; những trận chiến đấu kiên cường và vô cùng quả cảm dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xuphanuvông chống trả lại các cuộc tấn công ồ ạt của thực dân Pháp năm 1946 nhằm bảo vệ thành quả cách mạng của hai nước. Đỉnh cao trong kháng chiến chống Pháp là cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 – 1954 đánh bại ý đồ của thực dân Pháp lấy vùng Trung Lào là hướng tấn công quan trọng để làm bàn đạp cho các hướng đánh chiếm khác. Liên quân Việt Nam - Lào đánh thắng những trận lớn, tiến sát sông Mê Kông, giải phóng Thà Khẹt (Khăm Muộn), cắt đứt đường số 9 rồi giải phóng tiếp miền Đông Xavẳnnakhệt và vùng Trung Lào rộng lớn, góp phần quan trọng cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đến thắng lợi vẻ vang.

Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - lào trên các chiến trường Trung Lào phát triển đến đỉnh cao rực rỡ là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Quân đội và nhân dân hai nước trên các mặt trận Trung Lào đã sát cánh bên nhau chống lại sự phá hoại Hiệp định Giơnevơ của đế quốc Mỹ (1955 – 1961), góp phần làm thất bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1962-1968), “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” (1969 – 1973); bẻ gãy tất cả các “cuộc hành quân” của đế quốc Mỹ. Chiến công tiêu biểu trên mặt trận Trung Lào là bộ đội Lào đã phối hợp với bộ đội Việt Nam đập tan chiến dịch Lam Sơn 719 của quân nguỵ Sài Gòn có sự hỗ trợ của quân Mỹ tiến công vào Lao Bảo - Quảng Trị, Bản Đông – Xêpôn – Đường 9 Nam Lào v.v....

Trong giai đoạn này, một biểu tượng cao đẹp về tình đoàn kết của nhân dân hai nước đã được các đồng chí thể hiện khá rõ nét trong hầu hết các bản tham luận, đó là sự chung sức, chung lòng xây dựng con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh mà phần lớn là chạy qua các tỉnh Trung và Nam Lào, trở thành con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của hai dân tộc Việt - Lào.

Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung “máu của người Lào và máu người Việt Nam đã nhuộm đỏ dòng sông Mê Kông để chống lại bọn thực dân cướp nước”. Nhận xét về tinh thần chiến đấu quả cảm của liên quân Việt - Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihẳn đã viết: "Trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hoà lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào”1.

2. Thông qua các sự kiện lịch sử Trung Lào, Hội thảo góp phần làm sáng tỏ quá trình phát triển chủ trương, đường lối hợp tác và liên minh chiến đấu của hai Đảng và nhân dân hai nước Việt – Lào, trở thành biểu tượng cao đẹp và mẫu mực trong lịch sử quan hệ quốc tế.

Xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đó đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”. Và vì thế, Người cho rằng: “Sự nghiệp cách mạng của ba nước Đông Dương do nhân dân ba nước Đông Dương tiến hành”2.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941) dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, quan điểm ấy được tiếp tục khẳng định và phát triển: "Muốn đánh đuổi kẻ thù chung không chỉ dân tộc này hay dân tộc kia là đủ, mà phải có một lực lượng thống nhất của tất thảy các dân tộc Đông Dương họp lại"3. Và, sau khi đánh đuổi được Pháp và Nhật “Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tuỳ theo ý muốn, ... sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”4

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào càng gắn bó khăng khít hơn. Tại diễn đàn Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2/1951, Báo cáo Chính trị của Đảng nêu rõ: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp, can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên – Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt – Miên – Lào”5

Chiến trường Trung Lào - điểm nóng của cách mạng hai nước, trở thành địa bàn có ý nghĩa chiến lược, nơi huy động tối đa sức người, sức của vào các cuộc kháng chiến của hai dân tộc. Trung Lào xứng đáng là một căn cứ địa cách mạng, chiếc cầu nối quan trọng giữa Bắc Lào và Nam Lào, chiếc cầu nối liên minh chiến đấu với các tỉnh miền Trung Việt Nam; Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1976) đã đánh gía: “Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt – Lào – Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của 3 dân tộc”6.

3. Trung Lào và các tỉnh miền Trung Việt Nam luôn phát huy tinh thần đoàn kết trong kháng chiến, chung sức bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng đất nước cùng phát triển trong hoà bình.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Cách mạng Trung Lào được phát huy trên tầm cao mới.

Tuy còn ít các tham luận về những sự kiện lịch sử Trung Lào trong thời kỳ hòa bình, nhưng ít nhiều các đồng chí đã đề cập tới các nội dung hợp tác trong quan hệ giữa các tỉnh Trung Lào và các tỉnh miền Trung Việt Nam. Sau Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện và Hiệp ước hoạch định biên giới của hai nước Việt Nam - Lào được ký kết ngày 18-7-1977, tinh thần đoàn kết trong kháng chiến càng được phát huy, nhân dân miền Trung của hai nước chung sức, chung lòng bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng đất nước cùng phát triển, phù hợp với lợi ích căn bản của hai dân tộc.

Các bản tham luận đã phân tích, làm rõ tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ các tỉnh trên tuyến biên giới. Cùng với quan hệ chính trị, các tỉnh đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và đã có những bước phát triển tích cực, hiệu quả. Chính quyền các tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, quảng bá đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu nhằm khuyến khích hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, du lịch. Đặc biệt, sau khi tuyến biên giới hành lang kinh tế Đông - Tây được khơi thông, Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào đã thống nhất cam kết xây dựng các khu vực phát triển kinh tế thương mại với những chính sách ưu đãi về thuế ở các cửa khẩu chính, các tỉnh đã có nhiều cơ hội để cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống quý báu cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh miền Trung của 2 nước vẫn dành cho nhau tình cảm đặc biệt, hỗ trợ nhau xây dựng cơ sở vật chất nhằm phát triển KT-XH, nhất là đẩy nhanh sự nghiệp giáo dục - đào tạo, làm tốt công tác thương binh, quy tập mộ liệt sĩ, hài cốt chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào về nước...

Kính thưa các đồng chí!

Trong một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, có thể khẳng định Hội thảo của chúng ta đã thành công tốt đẹp, góp phần làm sáng rõ thêm những sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt – Lào anh em; góp phần đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử để soi sáng cho mai sau. Sau Hội nghị này, các Ban biên soạn cần tập trung khai thác tối đa kết quả nghiên cứu trong Hội thảo, đặc biệt là các bài phát biểu của đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Tư tưởng, Lý luận, Văn hoá của Đảng Nhân dân cách mạng Lào Xamản Vinhakệt. Đây là những tài liệu quý, những kiến thức và kinh nghiệm hay cần được trân trọng và sử dụng có hiệu quả.

Một lần nữa, xin cảm ơn và kính chúc đồng chí Xamản Vinhakệt cùng các đồng chí Việt – Lào anh em dồi dào sức khoẻ và thành đạt.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban ngành của tỉnh Quảng Trị; huyện Hướng Hóa, Thị trấn và cửa khẩu Lao Bảo; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Quân Khu 4; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí… đã phối hợp, giúp đỡ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội thảo.

Xin cảm ơn

1 Cayxỏn Phômvihẳn: Sđd, tr 183

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, H, 1995, tập 2, tr 270

3 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t7, tr 114

4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t7, tr 113

5 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, t12, tr 3

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H.1977, tr 11

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất