Thứ Hai, 7/10/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Tư, 8/6/2022 15:2'(GMT+7)

Đặt tít bài báo sao cho tinh tế, nhân văn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

NHỮNG CÁI TÍT... RÙNG MÌNH, VÔ CẢM

Cách đây chưa lâu, dư luận sửng sốt vì trên nhiều tờ báo đăng tải thông tin về sự kiện hai bé song sinh chào đời từ tinh trùng của người cha quá cố, với những cái tít khác nhau như: “Trẻ sinh ra từ tinh trùng tử thi”; “Kỳ lạ cặp song sinh ra đời từ tinh trùng tử thi”; “Cặp song sinh ra đời bằng tinh trùng được lấy từ tử thi”; “Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết”; “Cặp song sinh chào đời bằng tinh trùng của người bố đã mất”;“Hai bé sinh đôi từ tinh trùng người cha quá cố; “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát”,...

Trong 7 cái tít trên, không quá khó để nhận diện, phân biệt được đâu là tít giật gân, câu khách; đâu là tít thông tin ở dạng “thường thường bậc trung”; đâu là tít báo chí đầy ẩn ý nghệ thuật và nhân văn.

Ở 3 cái tít đầu tiên, người đọc cảm thấy ái ngại và hơn thế, có cảm giác “nổi da gà, ớn sống lưng” khi người viết cố tình rút tít với thái độ lạnh lùng. Trong suy nghĩ của chúng ta, mỗi trẻ em sinh ra, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng là niềm hạnh phúc của gia đình, xã hội. Các em là những thiên thần nhỏ bé, đáng yêu, là những mầm xuân tương lai của đất nước. Nâng niu những tâm hồn bé bỏng, thân thương ấy, lẽ nào lại nói các em sinh ra từ tử thi?

Từ cái tít thứ 3 đến tít thứ 6 là những cái tít trung dung, nêu đúng với bản chất vấn đề, nhưng cũng chưa hay, chưa đi vào lòng độc giả. Dùng cụm từ “người chồng đã chết, người bố đã mất, người cha quá cố” không có gì sai, nhưng người đọc cảm thấy chưa “ấm lòng” vì cái tít đơn điệu, bình thường quá, thậm chí có phần hơi thô khi nói “người chồng đã chết”.

LỰA CHỌN TÍT ĐÚNG, NHÂN VĂN, HẤP DẪN BẠN ĐỌC

Phải đến cái tít thứ bảy “Con chào đời sau khi cha mất bốn năm: Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” mới thấy “cái hay, cái đẹp” của việc đặt tít. Tự thân cái tít dẫn đã thấy người viết có thái độ trân trọng, sẻ chia với nhân vật bởi cách dùng từ nhẹ nhàng, nhã nhặn, tinh tế mà vẫn nêu lên được bản chất vấn đề cần thông tin. Đặc biệt là cái tít chính “Hạnh phúc nảy mầm từ mất mát” nghe rất ý nghĩa, mềm mại, bóng bẩy vì cách dùng từ đắc địa, giàu hình ảnh.  

Tôi tin, bất cứ ai yêu cuộc sống, yêu những đứa trẻ và luôn biết cảm thông với những thiệt thòi, hy sinh, mất mát riêng tư của người khác cũng sẽ ưa thích những bài báo có cái tít ấn tượng, hấp dẫn, giàu tính nhân văn như cái tít này.

Từ một câu chuyện, ngẫm ngợi về cách đặt tít trên báo mới thấy: Cùng một sự kiện, một vấn đề, nếu người viết biết cách lựa chọn từ ngữ đúng lúc, đúng chỗ, phản ánh đúng bản chất thông tin nhưng vẫn tinh tế, gợi cảm, lôi cuốn, bắt mắt độc giả bằng một thái độ văn hóa, cái nhìn văn hóa, thì cái tít sẽ trở thành “linh hồn” của bài báo, trang báo. Nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến cuộc đời, số phận, tương lai, tình cảm, thân nhân con người - ví như trường hợp góa phụ với cặp song sinh nêu trên - thì lại càng đòi hỏi người cầm bút có tấm lòng sẻ chia, cảm thông sâu sắc với các nhân vật. Nếu làm được như vậy, cái tít nói riêng và tên tuổi nhà báo, mới dễ găm sâu vào trái tim, ký ức độc giả./.

Phúc Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất