Trong bất cứ một cuộc giao tiếp bằng ngôn từ nào, xưng hô luôn là nghi thức đầu tiên để “thiết lập một cuộc trao đổi”. Đến cơ quan, ra ngoài phố, gặp bạn bè, với người quen thì không có vấn đề gì, chứ nếu với người mới gặp, thì việc đầu tiên là ta phải “liếc mắt” xem đối tác thế nào để chọn một cách xưng hô sao cho phải. Ngay cả khi nghe điện thoại thì sau tiếng “a lô” sẽ phải nói: “Xin lỗi, ai ở đầu dây đấy ạ? Tôi là…” để tìm một cặp xưng hô phù hợp. Nếu không, rất có thể người nói/ nghe rơi vào tình thế bị thất thố.
Xưng hô là một từ Hán Việt (稱 xưng: gọi ra; 呼 hô: gọi). Xưng hô là “tự xưng mình và gọi người khác là gì đó khi nói với nhau để biểu thị tính chất của mối quan hệ với nhau” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb. Đà Nẵng, 2020). Tiếng Việt có một hệ thống từ xưng hô đa dạng và phức tạp mà bất cứ ai khi vào một tình huống giao tiếp cụ thể cũng cần phải biết quan sát, nhận định và chọn giải pháp: ông/ bà; cô/ dì/ chú/ bác; anh/ chị/ em...
Xưng hô xã giao là xưng hô ngoài xã hội, trong bối cảnh người đối thoại thuộc nhiều tầng lớp, khác nhau về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị. Ở đó, người nói và người nghe không bị ràng buộc bởi những tôn ti, trật tự trong gia tộc. Tuy nhiên, không phải mọi chuyện xưng hô giữa “chín người mười làng” là đơn giản, dễ dàng. Bởi, cách xưng hô gia tộc cả ngàn năm nay đã ăn sâu vào tiềm thức, thói quen, phong tục... nên vẫn ảnh hưởng và chi phối, thậm chí lấn át cách xưng hô xã giao. Cũng bởi, người phương Đông, trong đó có người Việt, vốn trọng tình, trọng tuổi tác, vì vậy mà “không nỡ” dùng một cách xưng hô “căn ke” ngôn ngữ phương Tây, trung hoà hoá, bằng cách chuyển cặp “I - You” (ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba số ít) thành “Ông - Bà” khi giao tiếp với đối tác, bất luận là họ già hay trẻ, là “sếp to” hay “sếp nhỏ”, là bạn bè hay đồng nghiệp.
“Lời nói chẳng mất tiền mua” nhưng nói làm sao “cho vừa lòng nhau” không đơn giản. Cô sinh viên trẻ mới ra trường, gặp một “sếp” lớn tuổi tóc bạc mà dám “gọi ông xưng tôi” ư? Hay “gọi chú xưng cháu”? Hay “gọi anh xưng em”, hay “gọi chú xưng em”? Thật là khó. Trẻ quá “mặt búng ra sữa” mà trước vị giám đốc bệ vệ, uy nghi lại gọi “ông” xưng “tôi” sẽ bị coi là xách mé, bất lịch sự. Gọi “chú” xưng “cháu” có khi lại làm “sếp” phật ý! Người mới đến, lại còn trẻ, chưa lịch duyệt rất khó nắm bắt tình huống để có một cách nói, cách gọi cho thích hợp. Cái “buổi ban đầu” bỡ ngỡ, cách xưng hô không khéo, không phù hợp sẽ “mất điểm” và có thể dẫn đến thất bại, bị “loại ngay từ vòng xưng hô”.
Thì đây, đã có một giải pháp tình thế: Xưng hô dùng chức danh.
Chức danh là “tên gọi thể hiện cấp bậc, quyền hạn và chức phận của mỗi người”. Về tư cách xã hội, ai cũng có một chức danh. Trong nhiều tình huống, cách gọi chức danh của một người hoàn toàn chỉ có giá trị “định danh” đối tượng đang nói đến (mà hoàn toàn không có sắc thái biểu cảm), chẳng hạn: “Này, bà bán xôi, cho tôi 10 ngàn xôi lạc nào!”; “Bác tài ơi! Đến Cửa Nam cho tôi xuống nhé!”; "Bị cáo có biết mình đã phạm tội gì không?”; “Cả tốp thợ hàn xuống đây chuyển sắt lên đã!”; “Này, ông trọng tài, ông bắt thế mà được à?”.v.v...
Trong các tình huống trên, người nói không dùng đến các đại từ nhân xưng quen thuộc như ông, bà, anh, chị mà sử dụng từ chỉ nghề nghiệp họ đang thực thi để gọi. Nó vừa tiện lợi (không mất thời gian xác lập tuổi tác) vừa thực tế (gọi đúng chức phận của họ, không nhầm với ai khác), mà người nghe lại cảm thấy được tôn trọng. Không ít lần ai đó gọi “Đồng nát ơi! Lại đây!” và nhiều người nghe thấy sẽ bỏ qua, trừ bà đồng nát.
Trong các cuộc giao tiếp ở môi trường đòi hỏi nghi thức xã giao (tại cuộc họp, trên báo chí - truyền thông…) thì người ta dùng chức danh hiện có của “đương sự” để xưng gọi, như: “Xin trân trọng kính mời Bộ trưởng Nguyễn Văn A…”; “Chủ tịch có nghĩ rằng việc kéo dài giãn cách là thích hợp không ạ?”; “Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?”; “Xin mời ý kiến của Kiến trúc sư Nguyễn Văn B.”; “Cô giáo sẽ xử lí thế nào với những học sinh vi phạm…”.v.v..
Trước cử tọa (hay khán thính giả) đa dạng, đông đảo và trong hoàn cảnh trang trọng, người nói dùng ngay chức danh của người đối thoại, vừa tránh được việc dùng từ xưng hô (rất có thể không thích hợp) vừa để “xác nhận và tôn vinh” chức vụ của họ đang đảm nhiệm. Nói tới chức vụ cũng còn có hàm ý nhắc nhở “đương sự” lưu ý tới chức trách của mình để phát ngôn sao cho phù hợp và không lạc đề. Trong những trường hợp xưng hô xã giao, người nói tránh các đại từ mang tính “biểu cảm, phân ngôi thứ” như “em, cháu, con”, sẽ không phù hợp và dễ bị phản ứng.
Nhìn chung, giải pháp tình thế như vậy là hiệu quả. Nhưng cũng cần lưu ý:
Thứ nhất là phải giới thiệu đúng chức danh. Người là Giám đốc không thể gọi là Tổng Giám đốc. Người là Phó Giáo sư không thể “phong” thành Giáo sư. Người mới làm mấy bài thơ không thể gọi là Nhà thơ... Phải tìm hiểu để đưa ra một cách giới thiệu chức danh chính xác để vừa tôn trọng cử tọa, vừa tôn trọng chính người đang nói đến.
Thứ hai, việc giới thiệu nên hạn chế trong một chức danh nào đó, tránh rườm rà. Một giáo sư nào đó có thể kiêm nhiều chức danh, nhưng giới thiệu “Giáo sư, Tiến sĩ” trong chủ đề bàn về giáo dục là được rồi. Còn các chức danh khác mà ông ta có như giảng viên cao cấp, nhà giáo ưu tú, thậm chí là nhạc sĩ, nghệ sĩ (nghiệp dư)... thì nên bỏ qua. Có người giới thiệu: “Đây là đồng chí Đại tá, Phó Giáo sư. Tiến sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú, Trưởng khoa Ngoại, Chuyên gia mổ xương…” mà lẽ ra, lúc đầu chỉ cần nêu một chức danh chính, sau đó đến tình huống cụ thể nào (nói về chức vụ quản lí, nói về tình huống giải phẫu, nói về cống hiến đối với ngành…) thì dừng lại đưa thêm cho rõ hơn. Cách giới thiệu dài dòng không những rườm rà, làm mất thời gian mà còn làm cho cử tọa (và thậm chí đương sự) không hài lòng. Không ít người đã ngắt lời MC mà tự cải chính: “Xin lỗi! Tôi chỉ là Tiến sĩ, chưa là Phó Giáo sư”, “Tôi đang là Phó Giám đốc chứ không phải Giám đốc”, “Chị nói tôi là nhà văn làm tôi ngượng quá. Tôi mới có vài truyện ngắn đăng báo thôi mà.”, v.v..
Cách xưng hô gọi tên chức danh có thể là một sáng tạo đáng khuyến khích. Nhưng “thái quá bất cập”, cần biết vận dụng sao cho phù hợp, tạo không khí giao tiếp trang trọng, thoải mái và có hiệu quả giao tiếp tích cực.
Vinh danh đúng lúc đúng nơi
Diễn đàn không phải “sân chơi” nhà mình
Phải biết đánh giá tình hình
Chọn lời giới thiệu đẹp mình đẹp ta./.
PGS. TS. Phạm Văn Tình