(TG) - Gần đây, đây đó trên truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội, có một số ý kiến trao đổi về việc xưng hô được coi là “bất bình thường” trong học đường. Cụ thể, nhiều người, trong đó, có cả các phụ huynh học sinh không đồng tình việc để các học sinh xưng là “con” với các thầy, cô giáo. Thậm chí có người còn phản đối gay gắt, cho rằng “không phải cha mẹ nhưng lại gọi phía kia là “con”, đó là “mạo danh”. Và “nếu tất cả những người lớn đều nhất loạt gọi trẻ em là “con”, khác biệt giữa cha mẹ và người lạ vô tình bị lu mờ”. Cũng theo một số người, từ xưng này chỉ được dùng cho những trường hợp một người nào đó là “con” chính danh đối với bố mẹ (là người sinh ra mình). Nhà trường không nên lạm dụng cách xưng hô vô lối đó.
Xưng hô là một câu chuyện đặc biệt của tiếng Việt. Hệ thống từ xưng hô gia tộc của người Việt là vô cùng phức tạp. Phức tạp hơn là chính hệ thống (nhiều lớp lang) này ảnh hưởng và chi phối cách xưng gọi trong giao tiếp xã hội, vốn đòi hỏi sự trung hoà, bình đẳng, không mang sắc thái biểu cảm chủ quan. Nhiều người đem so sánh với các cặp xưng hô ở ngôn ngữ Âu Mỹ để minh chứng và cố xuý cho cách xưng hô xã giao “bất vị thân”, tôn trọng người đối thoại và như thế mới là “đúng mực và văn minh”.
Trong hệ thống giáo dục học đường ở trường phổ thông ở Việt Nam (tính từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945) đã tồn tại nhiều cách thức xưng hô.
Ở các lớp học sinh còn bé (mầm non, mẫu giáo, mà người dạy chủ yếu là cô giáo), có mấy cặp xưng gọi: 1) cô - cháu (Đến giờ rồi, các cháu vào lớp đi!); 2) cô - con (Cô chào các con nhé!); 3) cô - em (Cô chúc các em chăm ngoan, học giỏi!); 4) mẹ - con (Nào cả lớp ta, các con lại đây với mẹ nào!).
Với các lớp từ cấp 1 lên cấp 3 (Bây giờ gọi là tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học), trước đây chỉ có cặp “thầy, cô - em” và gần đây xuất hiện thêm cặp “thầy, cô - con”. Đây chính là vấn đề nảy sinh sự “phân hoá” về quan điểm. Người thì đồng tình với cách xưng hô mới là “thầy, cô - con” (Vì nó tạo ra sự thân tình, kéo học sinh lại bằng tấm lòng thương yêu học trò). Người thì phản đối, cho rằng nghe không ổn và bất hợp lí (Học sinh - nhất là học sinh PTTH - không thua kém thầy cô giáo bao nhiêu, trò lớp 10-12 có khi chỉ kém cô giáo mới ra trường 4-5 tuổi, xưng “con” rất gượng, không thoải mái và nếu lên cấp cao hơn (đại học) thì cách xưng hô này lại sinh ra sự “bất bình đẳng”, làm sinh viên cảm thấy bị “lép”, thiếu tự tin, không chủ động trong tiếp thu kiến thức).
Có người lập luận rằng, cũng như học trò xưa, vẫn xưng “con” với thầy dạy mình. Tuy nhiên phải nói thêm, các thầy đồ ngày trước (thường lớn tuổi), thay mặt cha mẹ nuôi nấng và dạy dỗ các trẻ ngay trong nhà mình. Học trò coi thầy như cha, mọi đối đáp, ứng xử như cha mẹ (sống tết chết giỗ). Nhưng có lẽ, trào lưu xưng “con” bắt đầu rộ lên sau Giải phóng miền Nam (1975), khi miền Bắc thấy hầu hết ở các trường phổ thông miền Nam, việc xưng “con” là quá bình thường. Cũng bởi, nhiều người quan niệm việc thay đổi cách xưng hô “thầy, cô - con” cũng là đáp ứng với cách thức giáo dục “người thầy cần phải coi học sinh như con mình”, muốn dành trọn tình yêu và tâm huyết giáo dục cho con trẻ (Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô, ấy hai mẹ hiền). Thực tế, khi vào nhiều lớp mầm non, mẫu giáo, ta thấy các cô “xưng cô gọi con”, thậm chí “xưng mẹ gọi con” rất trìu mến, đầm ấm, thân thương. Các cháu bé cảm nhận một bầu không khí thân tình, làm mất đi khoảng cách xa lạ.
“Con” trong tiếng Việt, vừa là danh từ, vừa là tính từ. TrongTừ điển tiếng Việt(Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020), “con” có nhiều nghĩa, nhưng có 2 nghĩa đáng lưu ý: 1 (dt). Người hoặc động vật thuộc thế hệ sau, trong quan hệ với người hoặc động vật trực tiếp sinh ra [có thể dùng để xưng gọi] (VD: Lợn nái đẻ được mười con. Con trưởng và con thứ. Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ năm canh- tục ngữ); 2 (tt). Từ dùng để chỉ hoặc gọi người thuộc thế hệ sau mình, coi như con, hoặc để người thuộc thế hệ sau tự xưng khi nói với người thuộc thế hệ trước (VD: Thưa cô, cho con ra ngoài. Con lạy ông, xin ông tha cho con). Thực tế, không ít những người thân tộc hay thân thuộc, là ông bà, chú bác vẫn trìu mến gọi “cháu” mình là “con” với một ngữ cảm thân thương và cảm động.
Thiết nghĩ, từ “con” đâu chỉ là “độc quyền” đối với các bậc cha mẹ? Chọn cách xưng hô sao cho đúng với vị thế giao tiếp, sao cho cả hai đều cảm thấy phù hợp, thoải mái. Có như thế mới giúp cho cuộc giao tiếp diễn ra một cách tích cực.
Có điều, trong môi trường học đường, việc xưng gọi cần phải thống nhất.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có một văn bản quy định việc xưng hô trong nhà trường. Tất cả đều theo thói quen truyền thống. Trước đây, các cặp “cô - cháu”, “thầy, cô - em” là phổ biến. Chỉ gần đây, mới xuất hiện cặp “cô, thầy - con” và từ đó, các trường các lớp đã bổ sung một cặp xưng gọi mới. Các thầy các cô cũng không muốn thua chị kém em, cứ “nhìn nhau” mà thực hiện như một “luật bất thành văn”. Tuy nhiên, theo nhiều thầy cô giáo, việc “gọi con xưng con” chỉ đắc dụng với các lớp mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Càng học lên cao, cặp xưng hô “thầy, cô - em” vẫn chiếm ưu thế. Cũng bởi, ngoài chuyện tuổi tác, còn có một vấn đề nữa, các em đã lớn và đang trưởng thành, việc xưng “con” sẽ phần nào làm mất đi sự thoải mái, gây gượng ép.
Bức xúc của một số người (trong đó có các phụ huynh) là một vấn đề cần tôn trọng và lắng nghe. Nhưng chúng ta cần tôn trọng và tuân thủ quy luật của hệ thống ngôn từ. Không ai (ngay cả với những người có quyền uy, sức mạnh) lại có thể áp đặt từ ngữ, lối nói, cách nói đối với cộng đồng. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống và ngôn ngữ cũng có cơ chế “tự điều chỉnh” (tự chọn lọc và tự đào thải). Thời gian sẽ là câu trả lời hợp lí nhất. Nếu cách xưng hô “cô, thầy - con” được đa số các thầy giáo, cô giáo và học sinh (nhất là học sinh lớp dưới) chấp nhận và cảm thấy bình thường thì nên coi đó là bình thường.
PGS. TS. Phạm Văn Tình