Thứ Hai, 7/10/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Tư, 22/6/2022 8:6'(GMT+7)

Dặm hay là giặm?

Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2018.

Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2018.

Trước hết, phải nói rằng cấu trúc hát ví dặm/giặm là cách nói chỉ tổng hợp hai loại hát dân gian cổ truyền ở vùng Nghệ Tĩnh. Dù là hai hình thức dân ca rất gần nhau, nhưng chúng có sự khác biệt. Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, năm 2011), hát dặm là "lối hát dân gian, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và câu chữ". Trong lần tái bản năm 2020, "hát dặm" được chuyển chú "xem hát giặm" và sửa cách giải thích là "lối hát dân gian, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ, phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh"; còn hát ví là "hát đối đáp có tính chất trữ tình giữa trai và gái trong lao động" (như ví đò đưa, ví phường nón, ví phường vải, ví trèo non), v.v.

Còn về cách viết, hiện tại đang tồn tại hai cách hiểu dẫn đến hai biến thể chính tả như thắc mắc. Nếu ta viết "dặm" là ta chấp nhận đây là một danh từ. Lúc này, dặm có thể chỉ một đơn vị đo độ dài. Đơn vị này ở Trung Quốc hay Việt Nam  (trước vẫn dùng) tương đương 444,44m, còn ở một số nước phương Tây (như Anh) thì đơn vị này tương đương 1.609m. Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, dặm còn là từ chỉ một "dụng cụ bắt cá nhỏ, tôm tép ven sông" (Nguyễn Nhã Bản chủ biên, Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, 1999).

Còn khi viết "giặm", giặm được hiểu là một động từ, có nghĩa "1. đan, vá thêm vào chỗ nan hỏng; 2. thêm vào chỗ còn trống, còn thiếu cho đủ" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, đã dẫn). Chính từ quan niệm như vậy mà đã xảy ra sự tranh luận về cách viết này với sự phân hóa hai cách hiểu như đã nói.

Theo Đỗ Thị Kim Liên, "sở dĩ gọi là Giặm bởi bài nào cũng chứa ít nhất một câu lặp lại câu đi trước giữa khoảng trống hai khổ thơ, giống như giặm mạ thêm vào chỗ trống. Bài ít thì chỉ một cặp giặm, bài nhiều thì có đến 12 cặp giặm lặp lại" (Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 2/2012, trang 8). Tác giả Nguyễn Văn Ẩm không đồng tình cách hiểu này. Theo ông, "giặm trong "hát giặm" không phải chủ yếu là thêm vào hay lặp lại. Ở Nghệ Tĩnh khi người ta đề cập đến giặm ló (lúa), giặm má (mạ) thì ai cũng hiểu rằng ở đâu đó có nhiều thửa ruộng, nhiều khóm ló (lúa) bị chết, cần phải giặm lại (cấy lại) vào đúng chỗ những cây lúa, cây mạ bị héo, chết" (Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 3/2013, trang 64). Tuy nhiên, về cơ bản, giữa hai tác giả này chỉ có sự hiểu khác nhau về độ chính xác ngữ nghĩa chứ cả hai đều thừa nhận “Giặm” là động từ.

Vấn đề phức tạp trên đã từng dấy lên sự tranh luận khá sôi nổi tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ" tổ chức tại Nghệ An vào tháng 3/2011. Không ít người cho rằng phải viết là "dặm" mới đúng. Thực tế, đa số các văn bản trước đây, cách viết "dặm" nhiều hơn hẳn so với "giặm". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, năm 2011)  không thống kê từ "giặm" như một mục từ, nhưng lần tái bản 2020 đã có "giặm" là động từ với 2 nghĩa: 1. đan, vá thêm vào chỗ nan hỏng, VD: giặm lại chỗ nong rách; 2. thêm vào những chỗ còn trống, còn thiếu cho đủ, VD: mạ chết nhiều, phải cấy giặm. Cuối cùng, sau nhiều ý kiến bàn thảo, căn cứ vào nhiều cứ liệu và luận cứ khá thuyết phục, các nhà khoa học đã trao đổi và thống nhất từ năm 2011, sử dụng cách viết là GIẶM trên tất cả các văn bản chính thức.

Hiểu những chuyện liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ tên gọi từ ngữ lịch sử, nhất là những tên gọi được truyền khẩu trong dân gian, luôn là vấn đề khá phức tạp, không dễ dàng có ngay một "đáp số" thỏa đáng. Chính sự phức tạp này là một phần của cuộc sống ngôn từ, làm nên sự phong phú, cái hay của ngôn ngữ tiếng Việt.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất