(TG) - Trò diễn dân gian dân tộc Cor (tỉnh Quảng Ngãi) là phần không thể thiếu trong văn hóa cổ truyền dân tộc Cor. Ngày xưa, trò diễn dân gian của dân tộc Cor rất phổ biến, tuy nhiên ngày nay lại khá hiếm và phải đối mặt với nguy cơ mất vĩnh viễn.
Kết nối các thành viên trong cộng đồng dân tộc Cor
Đồng bào dân tộc Cor cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng, Tây Trà và Trà My, là dân tộc thiểu số lớn thứ 2 ở Quảng Ngãi, sau dân tộc Hrê. Cũng như đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc Cor là cư dân bản địa, sống lâu đời trên quê hương vùng cao. Định cư trên địa bàn nhiều núi non hiểm trở, địa hình chia cắt, không có nhiều điều kiện để phát triển nghề trồng lúa nước, nên kinh tế truyền thống của người Cor ngoài cây quế rất nổi tiếng, sản xuất lương thực chủ yếu là phát nương, canh tác lúa rẫy. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, mà trong các làng người Cor xuất hiện những trò diễn thường ngày và trò diễn trong các lễ hội.
Trò diễn dân gian dân tộc Cor chính là một bộ phận, một sản phẩm của dân tộc Cor, không thể thiếu trong văn hóa cổ truyền dân tộc Cor. Ngày xưa, trò diễn dân gian của dân tộc Cỏ rất phổ biến, tuy nhiên ngày nay lại khá hiếm.
Các làng Cor thuở xưa không phải là những căn nhà đơn lập, mà là duy nhất một ngôi nhà sàn dài cho nhiều gia đình, bên ngoài có khoảng sân rộng được rào chắn cẩn thận để tránh thú dữ và trộm cắp. Trong nhà ngoài phần gian riêng của từng gia đình, còn có gian chung gọi là Gưl, rộng rãi, dành cho cộng đồng làng sử dụng chung. Gưl có bếp dùng để nấu nướng và sưởi ấm, ở đây sẽ diễn ra hầu hết các sinh hoạt cộng đồng, trong đó có trò diễn. Nó là một loại hình mang tính cộng đồng cao. Chính vì vậy, các trò diễn góp phần củng cố tình cảm của các thành viên trong cộng đồng làng Cor, giúp người ta luôn có ý thức cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Trò diễn dân gian dân tộc Cor có khá nhiều và có sự khác nhau nhất định giữa làng này với làng khác, có trò diễn trong những ngày thường và trò diễn trong lễ hội.
Trong các trò diễn dân gian dân tộc Cor có những trò diễn thiên về thể thao, nhưng cũng có trò diễn mang đậm chất văn nghệ. Tuy nhiên có một số trò diễn dân gian phổ biến nhất của dân tộc Cor như: Thi múa kiếm; Thi múa dáo; Đấu dáo; Thi phóng lao; Thi bắn nỏ; Thi kéo dây; Thi nhảy dây; Thi nhảy xa; Thi vật; Thi ném vòng; Thi đẩy gậy; Thi đánh đu; Chơi trống đất; Đấu chiêng...
Trò diễn là dịp để các thành viên trong cộng đồng làng Cor thể hiện năng lực của mình. Các trò diễn thiên về văn nghệ giúp nâng cao ý thức rèn luyện trí lực, bởi sự diễn biến đến thưởng thức đều mang đậm nét cảm nhận; trong khi các trò diễn thiên về thể thao chính là sựu nâng cao ý thức về rèn luyện thể lực, kỹ năng.
Trò diễn dân gian dân tộc Cor chính là một bộ phận, một sản phẩm của văn hóa dân tộc Cor, là một sinh hoạt mang tính cộng đồng cao, chính vì vậy các trò diễn góp phần củng cố tình cảm của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Cor, giúp người ta luôn có ý thức cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Đối mặt với nguy cơ mất vĩnh viễn
Trò diễn dân gian dân tộc Cor mang nhiều ý nghĩa, nhưng đáng tiếc là ngày nay, trò diễn dân gian chỉ tồn tại một phần, phần còn lại chỉ còn lưu trong ký ức của người lớn tuổi. Đối với người nhỏ tuổi, lớp thanh thiếu niên, các trò diễn dân gian ít được biết đến. Đặc biệt, các trò diễn mang tính chất thể thao còn tồn tại rất ít, hầu như các làng không tổ chức.
Khảo sát thực tế cho thấy, trò diễn dân gian dân tộc Cor nhìn chung còn rất ít người biết, người biết phần lớn đã cao tuổi. Trò diễn hầu như đã vắng bóng quá lâu trong đời sống đống bào dân tộc Cor. Cần có biện pháp bảo tồn khẩn cấp đối với trò diễn dân gian dân tộc Cor, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ mất vĩnh viễn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự tràn lan quá nhiều các phương tiện giải trí hiện đại, đồng thời cộng đồng làng chưa có ý thức gìn giữ vốn di sản văn hóa quý báu do cha ông để lại.
Trong bối cảnh hội nhập, giao thoa văn hóa diễn ra sôi động như hiện nay, để bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không bị mai một, các cấp, ngành, địa phương và bản thân mỗi người dân phải chủ động, có ý thức nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Các trò diễn dân gian dân tộc Cor cần được tổ chức thông qua các hoạt động thực tế như: Tổ chức trò diễn trong lễ hội cổ truyền như nó vốn có; Tổ chức lồng ghép các trò diễn trong các ngày hội; Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; Liên hoan văn hóa, thể thao cấp xã và huyện…/.
Hạnh Nguyễn