Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22-3-2005 và Chỉ thị 36-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Ba Đình đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, đáng kể là số cán bộ, đảng viên (CBĐV) sinh con thứ 3 trở lên đã giảm từ 20 trường hợp vào năm 2005 xuống mỗi năm chỉ còn 2-3 trường hợp. Không chỉ có Ba Đình, ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội, số CBĐV vi phạm đều giảm. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong việc xử lý vi phạm này.
"Đầu tàu" dễ… bị "soi"
Chuyện CBĐV vi phạm chính sách dân số (DS), sinh con thứ 3 trở lên không hiếm. Ở một huyện của tỉnh Nghệ An, giữa năm nay từng có chuyện chính quyền địa phương đã cùng lúc ra quyết định kỷ luật hơn 50 cán bộ các phòng, ban và chính quyền xã, những người đã có con thứ 3 trở lên. Một vị tổng giám đốc một tổng công ty lớn, một cán bộ cấp tỉnh cũng từng lao đao, thậm chí mất chức vì "vỡ kế hoạch"; phòng GD-ĐT của một huyện có tới 16 giáo viên sinh con thứ 3 trong năm học 2009-2010 đã bị hạ thi đua... Tại Hà Nội, theo bà Lê Mai Trang, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Thanh Xuân, việc một số CBĐV chọn năm "đẹp" để sinh con thứ 3 trở lên đã gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng thực hiện công tác KHHGĐ ở địa phương.
Hà Nội cũng có những CBĐV "vỡ kế hoạch", sinh con thứ 3 trở lên, dù con số ở mức khiêm tốn hơn so với nhiều nơi khác. Mấu chốt vẫn xoay quanh vấn đề "khát" con trai. Như chuyện gây xôn xao trong ngành DS-KHHGĐ: một cán bộ quản lý có thâm niên công tác DS hàng chục năm ở huyện Chương Mỹ, đã có 2 con gái lớn (một người đã có chồng) vậy mà bà vợ lại "nhỡ" sinh hạ một "quý tử" vào đầu năm 2010. Người cán bộ này cùng với 8 CBĐV khác đã "góp thành tích" CBĐV vi phạm chính sách DS-KHHGĐ ở huyện Chương Mỹ - "dẫn đầu" toàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2010.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2010, số CBĐV sinh con thứ 3 trở lên là 69 người. Tuy chưa có con số thống kê cho cả năm 2010, song dự báo vi phạm này có chiều hướng giảm (năm 2008 có 262 người; năm 2009 có 240 người). Sở dĩ vi phạm có chiều hướng giảm là bởi, chính quyền địa phương đã có một số biện pháp tích cực trong thực hiện chính sách DS. Như quận Thanh Xuân đã tăng cường truyền thông, giáo dục bằng việc ban hành quy chế thực hiện chính sách DS trong cán bộ, công nhân viên chức; 9/11 phường có quy ước thực hiện chính sách DS tại khu dân cư. Từ con số 14 CBĐV sinh con thứ 3 vào năm 2005, đến năm 2008, số CBĐV sinh con thứ 3 ở quận Thanh Xuân đã giảm xuống còn 6 người; và năm 2010 là 5 người.
Cần xử lý nghiêm
CBĐV đã được quán triệt và hơn ai hết, họ là người hiểu rõ chủ trương, chính sách về công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa khiến CBĐV vi phạm vẫn là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nghị quyết 47-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, khóa IX cũng đã chỉ rõ: "CBĐV phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, xem xét đề bạt, đề cử cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội". Việc xử lý CBĐV sinh con thứ 3 trở lên hiện nay được thực hiện theo Quy định 94-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTƯ ngày 24-3-2008 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tuy nhiên, khi vận dụng thì mỗi nơi một khác và nhìn chung, các hình thức xử phạt được đưa ra từ trước tới nay vẫn chưa đủ sức răn đe.
Để hạn chế và tiến tới không còn CBĐV sinh con thứ 3, đòi hỏi các cấp ủy Đảng quan tâm và kiên quyết hơn trong xử lý sự vi phạm công tác DS-KHHGĐ. Thành phố, trung ương cần có quy định cụ thể để các địa phương xử lý vi phạm một cách thống nhất, gắn với trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước có CBĐV vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.
Theo HNM