Thứ Hai, 23/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 18/3/2012 9:15'(GMT+7)

Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động

Các chiến sĩ  cảnh sát PCCC diễn tập cứu hỏa tại tòa nhà Vincom Center (TP Hồ Chí Minh). ( Ảnh: THIÊN CHƯƠNG )

Các chiến sĩ cảnh sát PCCC diễn tập cứu hỏa tại tòa nhà Vincom Center (TP Hồ Chí Minh). ( Ảnh: THIÊN CHƯƠNG )

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, năm 2011 cả nước đã xảy ra 5.896 vụ TNLĐ (tăng 15% so năm 2010) làm 6.154 người bị nạn (tăng khoảng 16% so năm 2010), trong đó có 504 vụ tai nạn chết người làm 574 người bị chết, 1.314 người bị thương nặng. Thiệt hại về vật chất hơn 300 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so năm 2010) và làm mất hơn 660.000 ngày công (tăng 8,7 lần so với năm 2010). Các ngành nghề để xảy ra TNLĐ chết người nhiều nhất là: khai thác mỏ, xây dựng, gia công kim loại, cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị sản xuất, lắp ráp.

Còn theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, trong năm 2011, cả nước đã xảy ra 1.764 vụ cháy, 25 vụ nổ. Gần đây nhất là vụ cháy rừng Hoàng Liên (huyện Sa Pa, Lào Cai) đầu tháng 3 vừa qua, do người dân dùng lửa bất cẩn, làm thiệt hại 73,6 ha rừng tái sinh. Cháy, nổ đã làm chết 84 người, bị thương 245 người, thiệt hại về tài sản ước tính 925 tỷ đồng và 2.000 ha rừng. So với năm 2010, số người chết do cháy tăng 25%, số người bị thương tăng 19,4%. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do ý thức của con người như sơ suất trong sử dụng thiết bị điện, lửa, xăng, dầu, khí đốt và vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy...

Có thể thấy, trong những năm qua, mặc dù công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) đã được tăng cường, chú trọng nhưng việc giảm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Điều này cũng thể hiện rõ, khi năm 2011, số doanh nghiệp có báo cáo về TNLĐ vẫn ở mức rất thấp, mới chỉ có khoảng 4,4% số doanh nghiệp có báo cáo. Mới chỉ có 20 tỉnh, ngành tiến hành khám 19 trong tổng số 28 loại bệnh nghề nghiệp cho 1.800 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như ngành công an, lao động, kiểm sát trong việc điều tra, xử lý các vụ TNLĐ còn chậm trễ. Trong số 504 vụ TNLĐ chết người năm 2011, đến nay cũng mới chỉ có biên bản điều tra của 97 vụ, dẫn tới tình trạng việc xem xét xử lý trách nhiệm của các bên theo đúng quy định của pháp luật chưa được thực hiện tốt... Nguyên nhân chính của thực trạng này, chính là sự thờ ơ của các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không quan tâm đúng mức tới công tác ATVSLĐ và PCCN. Người lao động thì xem nhẹ vấn đề ATVSLĐ do thiếu hiểu biết hoặc chưa được hướng dẫn, chưa có ý thức tự bảo vệ mình tránh khỏi những rủi ro, tai nạn. Bên cạnh đó, là sự quản lý lỏng lẻo, thái độ chủ quan của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ lần thứ 14 với chủ đề "Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động" chính thức được phát động từ ngày 18 đến ngày 24-3 tại Đồng Nai. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh cho rằng: Việc xây dựng văn hóa phòng ngừa TNLĐ, PCCN không phải là câu chuyện "ngày một ngày hai", hay câu chuyện "một tuần, một tháng" chỉ sau thời gian phát động là kết thúc mà phải là nội dung trọng tâm, chiến lược trong việc thay đổi ý thức cũng như hành vi của chủ doanh nghiệp cũng như người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ.

Để thực hiện tốt công tác này, bên cạnh sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, huấn luyện và hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN tới tận người sử dụng lao động và người lao động. Các cơ quan quản lý tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát các lĩnh vực, các khu vực có nguy cơ, rủi ro cao về ATVSLĐ và cháy nổ. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật ATVSLĐ và PCCN. Các doanh nghiệp phải thúc đẩy hoạt động tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Đồng thời, Chương trình quốc gia An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung trọng tâm của chương trình là triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, giảm ô nhiễm môi trường lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động; nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động... Chương trình là  động lực thúc đẩy công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời gian tới nhằm bảo vệ người lao động và bảo đảm sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm công tác ATVSLĐ.

Vũ Lan/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất